Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC Lê Tiến Dũng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi về việc “hoàn lại các chi phí do chủ đầu tư đã thực hiện đối với các dự án tại khu đô thị mới Vạn Tường (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)".
Chi hơn 80,6 tỷ đồng vào 6 dự án
Theo thông tin từ phía Tập đoàn FLC, trong khoảng thời gian từ 2018 – 2019, Tập đoàn này đã liên doanh với nhiều công ty để thực hiện các dự án tại Quảng Ngãi.
Cụ thể như: Dự án Khu đô thị Vạn Tường 7 diện tích khoảng 30,49ha; Khu đô thị Vạn Tường 8 diện tích khoảng 44,65ha; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 9 diện tích khoảng 12,9ha; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 10 diện tích khoảng 9,04ha; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 11 diện tích khoảng 12,3ha; Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 12 diện tích khoảng 28ha.
Tất cả các dự án nêu trên đã được Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cấp quyết định chủ trương đầu tư.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã hoàn thành nhiều thủ tục pháp lý như: Khảo sát địa hình; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; báo cáo đánh giá tác động môi trường; hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công; cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy; rà phá bom mìn; khảo sát địa chất…cũng như đang trong quá trình chi trả giải phóng mặt bằng với tổng kinh phí đã giải ngân là hơn 80,5 tỉ đồng. Số liệu ở trên, các chủ đầu tư cũng đã gửi báo cáo số 22/BC-FLC ngày 28.6.2021 kèm với các chứng từ chi trả, chuyển khoản cho các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
Công văn của Tập đoàn FLC cũng nêu rõ: theo sự kêu gọi của tỉnh về việc tự nguyện trả các dự án để thực hiện lại quy trình lựa chọn nhà đầu tư, các chủ đầu tư đã đồng thuận và hưởng ứng và đã tự nguyện nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động 6 dự án. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cũng đã ra các thông báo về việc thống nhất chấm dứt hoạt động các dự án trên theo quy định pháp luật.
FLC đề nghị được ưu tiên tiếp tục triển khai các dự án
Trong công văn, ông Lê Tiến Dũng nêu: “Cho đến nay, đã hơn một năm kể từ thời điểm tự nguyện trả lại dự án theo sự kêu gọi của tỉnh, Tập đoàn FLC và các đồng chủ đầu tư chưa nhận được bất cứ thông tin, phản hồi, hướng dẫn về việc hoàn trả đối với các chi phí mà chúng tôi đã đầu tư tại dự án. Trong khi đó, số tiền hơn 80,5 tỉ đồng là số tiền lớn và cần thiết đối với Tập đoàn FLC và các công ty trong bối cảnh hiện nay”.
Lãnh đạo FLC đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm có giải pháp hoàn trả các chi phí hoặc có phương án để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho Tập đoàn FLC và các công ty là chủ đầu tư dự án.
Tập đoàn FLC cho rằng, cho đến khi chưa có phương án hoàn trả/giải quyết đối với quyền lợi và số tiền nói trên của các chủ đầu tư thì tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa thể tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới để tiếp tục thực hiện/triển khai các dự án liên quan.
Do đó, Tập đoàn này đề nghị tỉnh Quảng Ngãi xem xét phương án hỗ trợ, tạo điều kiện hoặc ưu tiên cho doanh nghiệp này (hoặc đối tác do Tập đoàn FLC chỉ định) tiếp tục triển khai dự án. Bao gồm cả trường hợp tham gia đấu giá/đầu thầu để thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu, 6 dự án của và liên danh các công ty có tổng diện tích hơn 137ha với mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Mặc dù tại thời điểm được cấp chủ trương đầu tư, chủ đầu tư đã tiến hành khởi công rầm rộ. Tuy nhiên sau đó các dự án này đều rơi vào tình trạng “đứng bánh”.