Giảm sự cố các tổ máy phát điện
Báo cáo tại hội nghị chuyên đề sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM) khối nguồn điện năm 2024 vừa được EVN tổ chức, Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất EVN Lê Việt Hùng đã trình bày các thông tin về công tác quản lý kỹ thuật khối nguồn điện và cho biết, việc tăng cường sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy (RCM) tại các nhà máy điện sẽ trực tiếp góp phần nâng cao độ khả dụng và khả năng đáp ứng của các tổ máy, bảo đảm mục tiêu phát điện năm 2024.
Hiện nay, tổng công suất nguồn điện Việt Nam năm 2023 đạt hơn 84.000MW, tăng khoảng 4,5% so với năm 2022. Quy mô công suất nguồn điện hiện đứng đầu khu vực Đông Nam Á về cơ cấu chủ sở hữu. Các nhà đầu tư tư nhân chiếm tới 42,49% công suất nguồn điện; khối BOT chiếm 11,06% tổng công suất nguồn. EVN và các Tổng Công ty Phát điện trực thuộc (GENCOs) chỉ quản lý 34,93% công suất nguồn điện. Trong bối cảnh đó, việc vận hành bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội là thách thức lớn.
Năm 2024, các nhà máy điện của EVN đang tập trung mọi nỗ lực, dành mọi nguồn lực để tập trung cung ứng điện; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật. Các nhà máy điện phải bảo đảm độ khả dụng và đáp ứng của các tổ máy; kiểm soát chặt chẽ suất hao nhiệt và suất tiêu hao than; giảm sự cố, sẵn sàng phát điện theo huy động, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô 2024.
Để thực hiện những mục tiêu quan trọng đó, các giải pháp cụ thể đã được EVN chỉ đạo, giao nhiệm vụ tới từng đơn vị phát điện. Trong đó, công tác sửa chữa, bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy là một trong những giải pháp then chốt.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải nhấn mạnh, lãnh đạo các đơn vị phải tập trung chỉ đạo để nâng cao chất lượng công tác sửa chữa, bảo dưỡng RCM. Đồng thời, chú trọng phương pháp thực hiện, tăng cường trao đổi, học tập thực tế từ các đơn vị đã làm tốt công tác này. Các nhà máy cũng cần quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo các chuyên gia về công nghệ, hiểu sâu về thiết bị; đa dạng các hình thức đào tạo.
Lãnh đạo EVN giao các Ban chuyên môn hỗ trợ các đơn vị trong việc đào tạo chuyên đề sửa chữa bảo dưỡng RCM; rà soát, điều chỉnh, ban hành các hướng dẫn cụ thể, tài liệu liên quan để các đơn vị triển khai. Đồng thời, hoàn thiện các công cụ, phần mềm hỗ trợ thực hiện sửa chữa bảo dưỡng RCM.
Đẩy mạnh bảo dưỡng, sửa chữa RCM
RCM là phương pháp tiên tiến phổ biến trên thế giới với nhiều ưu điểm, giúp tối ưu hóa chi phí bảo dưỡng, tính linh hoạt cao; tăng cường độ tin cậy và tăng hiệu suất hoạt động của thiết bị, phòng ngừa sự cố. Phương pháp RCM cũng hướng tới mục tiêu và ưu tiên, tập trung vào việc bảo dưỡng các yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất, giúp định rõ ưu tiên và phân công nguồn lực một cách hiệu quả. Các đơn vị trong EVN đã nghiên cứu về phương pháp RCM từ năm 2017, triển khai thí điểm từ 2019, và áp dụng từ 2021.
Các nhà máy thủy điện đã áp dụng RCM cho các tổ máy phát điện. Các nhà máy nhiệt điện áp dụng cho các hệ thống thiết bị theo thứ tự ưu tiên về độ quan trọng và tính trọng yếu. Nổi bật, nhiều nhà máy nhiệt điện thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) đã hoàn thành phân tích RCM cho tất cả các hệ thống thiết bị, vượt kế hoạch 3 năm. Tuy thời gian áp dụng RCM chưa lâu, nhưng có thể thấy độ tin cậy của các nhà máy thủy điện trực thuộc EVN có sự cải thiện rõ rệt trong các năm qua.
"Việc thực hiện tốt công tác RCM trực tiếp góp phần giúp Công ty Thủy điện Tuyên Quang sản xuất vượt mức chỉ tiêu Tập đoàn giao trong các năm gần đây" - Phó Giám đốc Công ty Phạm Văn Thành cho hay.
Còn với Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN (EVNPSC), Giám đốc Phan Đình Hòa đã đánh giá, "khi áp dụng RCM, khối lượng công việc giảm đáng kể, tăng hiệu quả bảo dưỡng sửa chữa, tạo thuận lợi cho đơn vị sửa chữa".