Còn lúng túng trong xử lý đơn thư tại cơ sở
Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn lần thứ 7 diễn ra mới đây, từ đầu năm 2024 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp nhận 133 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chuyển và kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 28 đơn thư, lưu 105 đơn do trùng lặp hoặc đã được giải quyết. Mỗi vấn đề, nội dung kiến nghị cụ thể đều phân công lãnh đạo, chuyên viên theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết của các cơ quan, địa phương...
Tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố cũng đã thẳng thắn chỉ rõ một thực tế là dù đã được UBND các cấp giải quyết, hướng dẫn theo quy định của pháp luật nhưng tình trạng công dân cố tình đơn thư nhiều lần, đơn thư vượt cấp vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, nhận thức, kỹ năng của cán bộ một số địa phương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao, trong khi đó việc nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến công tác này còn những hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xử lý đơn thư từ cơ sở còn lúng túng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có những vụ việc chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định...
Từ thực tế hoạt động của cơ quan dân cử địa phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Cừ Nguyễn Văn Đoàn và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hưng Yên Bùi Thị Thu Trang đều có chung đề xuất, thời gian tới, HĐND các cấp cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Trong đó, xác định trọng tâm là vụ việc cụ thể, khiếu kiện phức tạp, đông kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm hoặc vi phạm trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết và tại các địa bàn có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Không để phát sinh “điểm nóng”
Chủ trì hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản đã ghi nhận các ý kiến tham gia của đại diện cơ quan dân cử các địa phương. Đồng thời đề nghị, HĐND các cấp trên địa bàn cần lựa chọn những vấn đề đã khiếu nại, tố cáo nhiều lần chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm đưa ra chất vấn tại kỳ họp hoặc phiên họp Thường trực HĐND. Trong đó, tập trung làm rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành liên quan; xác định rõ giải pháp cần tập trung để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Đối với vụ việc phức tạp, Thường trực HĐND phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức giám sát chuyên đề.
Với riêng Ban Pháp chế HĐND, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo tình hình tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân do UBND trình kỳ họp của HĐND. Cụ thể, ngoài đánh giá kết quả đạt được cần phân tích nguyên nhân, tồn tại, hạn chế, kiến nghị giải pháp để UBND các cấp, sở, ngành chức năng tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
HĐND các cấp cần tập trung phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, xác định chính xác thẩm quyền của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết. Đồng thời, nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, đồng bộ liên thông giữa cơ quan tiếp nhận, chuyển và giải quyết ý kiến của công dân để tạo thuận lợi cho việc cập nhật, theo dõi, giúp việc xử lý nhanh chóng, dễ dàng và giảm thiểu trùng lặp.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác dân nguyện, tiếp công dân và hoạt động tiếp xúc cử tri; tăng cường trách nhiệm theo dõi, nắm bắt, phản ánh, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, không để đơn thư khiếu kiện kéo dài, phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự; bảo đảm an ninh trật tự trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội lần thứ XIV của Đảng...