Đừng nghi ngờ lòng tốt
Mới đây, một chương trình truyền hình đã khiến dư luận dậy sóng khi đưa ra chủ đề “Làm từ thiện vì ai, để làm gì”. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng: Từ bao giờ việc thiện nguyện lại bị đặt câu hỏi như vậy? Và tại sao lại đặt câu hỏi như vậy vì nó sẽ gây tổn thương những người làm việc thiện, cho dù họ làm việc thiện đó vì ai...
Chúng ta lớn lên ai cũng được dạy về tình yêu thương và sự sẻ chia với mọi người và cộng đồng. “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” là những câu tục ngữ mà có lẽ ai là người Việt đều thuộc nằm lòng. Vậy thì việc người dẫn chương trình “60 phút mở” liên tục truy vấn: “Làm từ thiện để làm gì?” với đại diện của nhóm từ thiện “Xây trường vùng cao” - khách mời của chương trình - liệu có cần thiết không? Tại sao lại phải hỏi đi, hỏi lại về một việc làm mang thuộc tính tự nhiên của mỗi người chúng ta?
Những người làm từ thiện có phải vì bản thân họ không? Câu trả lời là có. Họ mang đến niềm vui cho người khác cũng chính là mang đến niềm vui cho chính họ, khiến cuộc sống của họ thêm ý nghĩa. Ngoài ra, từ thiện cũng giúp họ hoàn thiện nhân cách, sống tốt hơn và bao dung hơn. Đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên của mỗi chúng ta chứ chẳng cần động cơ, mục đích gì cả. Việc đặt những câu hỏi nhạy cảm và cố tình xoáy sâu vào “Làm từ thiện vì ai? Vì mình? Vì chơi trội? Vì có cái để chém gió? Vì để nổi tiếng?”… đã khiến người xem cảm giác chương trình cố gò ép, bắt bẻ mà bỏ qua tấm lòng của những người làm từ thiện, bỏ qua cái tốt của những chuyến hàng từ thiện.
Dù rằng, trong nhiều chuyến từ thiện, trong nhiều cách đưa từ thiện, vẫn còn những chuyện này, chuyện kia chưa trọn vẹn. Không phủ nhận là vẫn có nhiều cá nhân, tổ chức chưa thực sự làm từ thiện hiệu quả, thiếu sự thông tin, liên lạc với địa phương, chưa nắm bắt rõ tình hình thực tế ở nơi họ muốn đến… Nhưng dù sao, chúng ta cần ghi nhận những tấm lòng ấy thay vì mang nó ra để mổ xẻ, bỏ qua muôn vàn điều tốt đẹp mà những tấm lòng từ thiện mang lại cho cộng đồng nghèo khó.
Nên chăng, nếu có những chương trình truyền hình, những diễn đàn báo chí về đề tài này, điều cần thiết phải trao đổi với nhau là làm thế nào để “Làm từ thiện đúng cách” thay vì “Làm từ thiện vì ai? Làm từ thiện để làm gì?”. Hoặc thay vì “khai thác ngược” thì nên gửi thông điệp tới các địa phương trong thái độ đón tiếp, tiếp nhận quà từ thiện, cần một ứng xử văn minh, sự tiếp đón chu đáo, và nếu vì lý do gì đó phải từ chối thì đó cũng là sự từ chối của những con người tử tế chứ không phải ngăn cản, tự ái, gây khó dễ, thậm chí gây áp lực với các đoàn từ thiện.
Đã đành, phản biện sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn vấn đề, nhưng không phải cái gì đem ra phản biện cũng là tốt, là minh bạch, là cởi mở… bởi có những thứ không phải cứ truy tận nơi là rõ được động cơ và nguyên nhân. Việc đưa ra một chủ đề có nhiều đáp án gây tranh cãi bất tận chẳng đem lại gì cho xã hội, mà còn dễ làm tổn thương những người khác, nhất là không khéo léo sẽ dẫn đến áp đặt suy nghĩ ngay cả việc làm tốt đẹp của những người thiện, làm việc thiện.