Hoạt động của Đoàn ĐBQH

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)Tạo chủ động, tăng cường trách nhiệm cho chính quyền cơ sở

Đào Cảnh 18/05/2025 07:03

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đang xem xét sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025. Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa quan tâm sâu đến vấn đề phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương và cơ cấu, tổ chức của UBND cấp xã. Theo các đại biểu, đây là những nội dung cần được quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp thực tiễn để tạo chủ động và tăng cường trách nhiệm cho chính quyền cơ sở khi bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, cấp đó phải giải quyết

Nhất trí với phạm vi, sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, một số nội dung của dự thảo luật cần được quy định cụ thể, rõ nét hơn, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương để chủ động thực thi nhiệm vụ theo quy định.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại phiên thảo luận sáng 16/5. Ảnh: Hồ Long
Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Khoản 4, Điều 11 Dự thảo Luật về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương quy định “… Trường hợp cần thiết UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, UBND cấp xã”. Các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định “Trường hợp cần thiết” chưa cụ thể, rõ ràng, dễ nảy sinh việc tùy nghi áp dụng ở các địa phương. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần cân nhắc nội dung “trực tiếp chỉ đạo, điều hành”, bởi nếu quy định như vậy thì không phải là phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa UBND, Chủ tịch UBND cấp mà là “làm thay” công việc, thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp xã.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên, quy định như trong Dự thảo Luật sẽ có thể dẫn tình trạng những việc khó, nhạy cảm và phải chịu trách nhiệm cơ quan chuyên môn cấp xã sẽ đẩy trách nhiệm lên UBND cấp tỉnh, đẩy lên Chủ tịch UBND tỉnh và sinh ra tâm lý trông chờ, ỉ lại. Quy định như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc là những công việc thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương phải do chính quyền địa phương quyết định, tổ chức thực hiện và phải tự chịu trách nhiệm. Đây chính là nguyên tắc được quy định tại Khoản 5, Điều 4 Dự thảo Luật này”- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Cũng tham gia góp ý về nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải cho rằng: những trường hợp nào được coi là cần thiết để cấp trên chỉ đạo giải quyết những công việc của cấp dưới? Điều này sẽ dẫn đến không chủ động trong giải quyết công việc ở cả hai cấp. Hơn nữa, khi phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, nên để các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các xã, phường đặc khu phải chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ của mình; UBND, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện”.

Thống nhất “UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn”

Theo các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, chính quyền cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết phần lớn các công việc thường xuyên của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sắp đi vào hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã ngày càng nhiều hơn; tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ cũng sẽ được đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Khoản 3, Điều 39 của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về cơ cấu tổ chức của UBND, quy định “Căn cứ các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi, Ủy ban nhân dân cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã về ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã theo quy định của Chính phủ”. Theo các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đây cũng là quy định mang tính tùy nghi.

Trên nguyên tắc tổ chức bộ máy của Nhà nước nói chung và UBND cấp xã nói riêng, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị nên thống nhất quy định UBND cấp xã trong cả nước đều thành lập phòng chuyên môn. Mô hình cấp xã mới sẽ thực hiện cả hai nhiệm vụ của cấp huyện và cấp xã hiện nay. Do đó, nếu tổ chức các phòng chuyên môn thì sẽ xây dựng được lề lối làm việc khoa học, chuyên môn hóa, chuyên sâu để tham mưu tốt cho chính quyền cấp xã. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng để thống nhất trong cả nước, tránh trùng lặp và cũng làm cơ sở để các địa phương giải quyết những “điểm nghẽn” trong sắp xếp bộ máy hành chính hai cấp để bộ máy hoạt động trơn tru và hiệu quả.

“Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã sau sáp nhập rất lớn, yêu cầu phải giải quyết công việc nhiều và trực tiếp giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức và công dân. Vì vậy, quy định có thể bố trí công chức chuyên môn tham mưu giúp UBND cấp xã giải quyết các công việc của UBND xã sẽ rất khó khăn, khó có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Tôi đề nghị bố trí các cơ quan chuyên môn thống nhất đối với tất cả các xã, phường sáp nhập trong cả nước - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải đề nghị.

Khoản 3, Điều 12 dự thảo luật quy định: “UBND cấp tỉnh được đề xuất với Chính phủ đề nghị Quốc hội phân quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương”. Theo các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, quy định này không thực sự cần thiết phải quy định trong luật. Nếu quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở thì luật nên viết lại là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyền phân quyền cho cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện của địa phương và chịu trách nhiệm về việc phân quyền đó”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) Tạo chủ động, tăng cường trách nhiệm cho chính quyền cơ sở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO