Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi): Phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình
Luật Ngân sách Nhà nước là đạo luật có tính nền tảng trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững trong tình hình mới. Thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình.
Tránh có tiền tăng thu, nhưng phung phí vào dự án nhỏ lẻ
Thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) tại phiên họp sáng 26/5, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến mức dư nợ vay của địa phương quy định tại Điều 7 dự thảo Luật.
Theo quy định tại dự thảo Luật, các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, thì có mức dư nợ vay không vượt quá 80% số dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Trường hợp địa phương cần huy động vốn vay lớn hơn mức dư nợ vay đã được quy định để thực hiện dự án trọng điểm, trên cơ sở đề nghị của địa phương, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định.
Về việc tăng trần nợ vay của ngân sách các địa phương, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đã có cơ chế đặc thù cho tăng dư nợ vay ngân sách để đầu tư vào các dự án trọng điểm; tuy nhiên chưa thấy đánh giá tổng kết về hiệu quả thực thi chính sách.

Lo ngại việc luật hóa để nâng tổng thể trần nợ vay của tất cả các địa phương khi chưa có đánh giá, tổng kết, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn room vay nợ, không tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án lớn quốc gia trong thời gian tới.
Về sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, đại biểu lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, cần ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng trước hết, cần ưu tiên cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thu vốn. “Nếu có sử dụng cho dự án mới, thì dự án đó cũng phải có trong kế hoạch đầu tư trung hạn và đủ điều kiện để triển khai thực hiện sớm hơn; không nên bố trí dàn trải vào các dự án bổ sung đột xuất. Nếu có yêu cầu đột xuất, thì đã có các nguồn dự phòng để xử lý”, đại biểu nêu vấn đề.
Thực tế thời gian qua, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, kể cả ở Trung ương và nhiều địa phương đã bố trí cho nhiều dự án không có trong kế hoạch trung hạn, chưa thực sự cấp bách, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên khó triển khai. "Tiền trong két, nhưng không thể giải ngân phải chuyển nguồn qua nhiều năm, làm tăng tổng chuyển nguồn cũng như tồn ngân quỹ ngân sách, trong khi nợ ngân sách đi vay vẫn phải trả lãi, lãng phí không nhỏ", đại biểu phân tích.
Đáng lưu ý, theo đại biểu, có nơi còn chủ động dự toán thu thấp để tăng vượt thu hàng năm, nhằm bố trí cho những dự án ngoài kế hoạch. Khi có tiền tăng thu, có khi lại "phung phí" vào các dự án nhỏ lẻ, khi cần làm việc lớn thì lại khó khăn về nguồn. Chỉ rõ những thực tế nêu trên, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị, cần quy định chặt chẽ để bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách nhà nước.
Khẳng định, việc điều chỉnh tăng dư nợ vay của ngân sách địa phương là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay, song ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập địa phương, từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố, rất cần nguồn lực để tăng cường kết nối vùng, kết nối các địa phương, do đó cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ làm tăng mức nợ công. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét thêm đối với các đô thị đặc biệt, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... là nơi đang có nhiều dự án lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, cần nới rộng thêm mức trần nợ công.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc tăng trần nợ công cho các địa phương đã được Bộ Tài chính nghiên cứu rất kỹ. Thực tế, trần nợ công Quốc hội đang cho phép là 60%, đến hết năm 2024 mới sử dụng 34,7% GDP. “Việc điều chỉnh mức dư nợ của ngân sách địa phương cũng đã được đánh giá kỹ lưỡng và trên cơ sở tương quan với chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021 - 2025”, Bộ trưởng khẳng định.
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng nhấn mạnh, nâng trần nợ công, nhưng phải kiểm soát được hai vấn đề rất lớn, đó là, kiểm soát nợ công và bội chi trong giới hạn cho phép của Quốc hội cũng như chất lượng vay, chất lượng các dự án.
Phân chia hợp lý khoản thu từ tiền sử dụng đất
Việc phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương quy định tại khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đồng tình với phương án 2, chỉ quy định các nguồn thu phân chia, không quy định cụ thể tỷ lệ phân chia tại dự thảo Luật và giao cho Chính phủ xây dựng phương án về tỷ lệ chia, trình Quốc hội xem xét, quyết định, điều chỉnh để phù hợp với quan điểm mới về xây dựng pháp luật và chỉ quy định nguyên tắc, bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong điều hành ngân sách.

Đối với quy định tại khoản thu tiền sử dụng đất tại điểm đ khoản 2 (phương án 1) hay điểm g khoản 2 (phương án 2), Điều 35 dự thảo Luật, dù về lâu dài cần giảm dần tỷ trọng nguồn thu tiền từ sử dụng đất trong tổng thu ngân sách địa phương, nhưng, theo đại biểu, trong ngắn hạn, nhất là đối với các địa phương hiện chưa cân đối được ngân sách, thì khoản thu từ tiền sử dụng đất vẫn chiếm tỷ trọng cao để bảo đảm địa phương có nguồn thu, chi cho đầu tư phát triển. Hơn nữa, nếu quy định tỷ lệ đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách, ngân sách trung ương lại phải điều tiết sẽ kéo dài thời gian, tăng chi phí tuân thủ hành chính.
Đảng và Nhà nước đang chủ trương phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Nguyên tắc phân cấp, phân quyền phải có điều kiện bảo đảm thực hiện kèm theo, phải đi đôi với bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp như hiện nay thì nhiệm vụ chi của địa phương sẽ phát sinh rất nhiều.
Từ những lý do này, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, tại dự thảo Luật vẫn nên giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương sau sắp xếp, sáp nhập trong từng giai đoạn cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt, chủ động. Trước mắt, đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách, đề nghị vẫn giữ nguyên khoản thu từ tiền sử dụng đất là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu thực tế, theo kế hoạch đầu tư dự trù giai đoạn 2026 - 2030, TP. Hồ Chí Minh cần nguồn lực đầu tư công khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ đất khoảng 550 nghìn tỷ đồng. Nếu ngân sách trung ương điều tiết 30%, tức là địa phương sẽ hụt thu 165 nghìn tỷ đồng trong 5 năm, trung bình mỗi năm hụt thu 33 nghìn tỷ đồng. “Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công của thành phố trong giai đoạn tới”, đại biểu thẳng thắn.
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đang rất cần nguồn lực triển khai đường sắt đô thị, 10 năm cần khoảng 40 tỷ USD, trong 5 năm đầu cần khoảng 16 tỷ USD. Ngoài ra, cần nguồn lực để kết nối các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, mở rộng các quốc lộ, xây dựng nhiều cây cầu kết nối quan trọng… Nhấn mạnh “nguồn thu từ đất chiếm vị trí rất quan trọng”, đại biểu đề nghị, Trung ương xem xét, trước mắt có thể trong 10 năm chưa thu khoản này, nếu thu chỉ nên thu ở mức tối đa từ 5 - 10%.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu theo hướng chưa quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong dự thảo Luật lần này, trừ khoản thu từ tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026. Trong năm 2026, khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và địa phương cho phù hợp, bảo đảm ổn định lâu dài.

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) là đạo luật có tính nền tảng trong việc phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững trong tình hình mới. Do đó, về mặt tổng thể, dự thảo Luật cần thể hiện rõ tinh thần phân cấp, phân quyền thực chất, đi đôi với tăng cường trách nhiệm giải trình.
Như ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh), các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật quan trọng này, để Luật sau khi thông qua sẽ trở thành bước tiến đột phá về thể chế, tạo khung pháp lý vững chắc cho một nền tài chính công hiện đại, minh bạch, hiệu quả, vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của Trung ương, vừa khơi dậy sức mạnh tự chủ, sáng tạo từ địa phương, cơ sở.