"Làm gì có trại thực nghiệm nào"
Sau khi Báo Đại biểu Nhân dân phản ánh: “Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh: 10 năm sau kết luận thanh tra vẫn chưa xử lý dứt điểm thiếu sót, sai phạm” theo Kết luận thanh tra số 950/KL-TTCP ngày 29.4.2014 và Thông báo KLTT số 408/TB-TTCP ngày 4.3.2015, Thanh tra Chính phủ (TTCP). Trong đó, vấn đề Dự án trại thực nghiệm tại Bình Thuận được dư luận xã hội quan tâm. Bởi, nhiều người băn khoăn hiện tại dự án đã triển khai thế nào?
Phóng viên đã tìm đến thôn 2, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận – nơi dự án tọa lạc (cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 180km; cách Quốc lộ 1A huyện Hàm Thuận Nam khoảng hơn 20km). Đây là khu vực nông thôn với nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, chỉ có vài hộ dân sống dọc theo Tỉnh lộ 718. Phần lớn diện tích đất người dân trồng thanh long, hoặc các loại hoa màu như bắp, đậu đen…
Để tìm “Trại thực nghiệm của Trường ĐH Mở”, chúng tôi tiếp tục tra khảo thêm bản đồ, nhìn khắp các bảng hiệu hai bên đường nhưng không có bảng hiệu nào liên quan đến “Trại thực nghiệm” hay “Trường ĐH Mở”… Dò hỏi người dân, nhiều người vẫn không biết “trại thực nghiệm” là gì… Gần trưa, chúng tôi tìm vào Trạm Lâm nghiệp Hàm Cần (thuộc Xí nghiệp lâm nghiệp Hàm Thuận Nam) để hỏi, một nhân viên ở đây nói: làm gì có trại thực nghiệm nào, có một khu đất nghe nói của Trường ĐH Mở, đất trồng cây hoa màu lâu nay chứ có trại thực nghiệm gì đâu?
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến khu đất được cho là Dự án trại thực nghiệm. Đó là một khu đất trống nằm ngay bên Tỉnh lộ 718. Cổng sắt vào khu đất xiêu vẹo, đổ nát. Bên trong là những luống ngô đã thu hoạch chỉ còn thân cây chết khô. Phía cuối khu đất có một căn nhà cấp 4 đã xây dựng từ lâu, một ao nước rau bèo mọc tràn lan; phía trải lối vào khu đất một số trụ cọc bê tông để làm giàn trồng các loại hoa màu đang trơ mình dưới nắng…
Để xác định chính xác khu đất là “Dự án trại thực nghiệm” chúng tôi tiếp tục “livestream” với một giảng viên từng có thời gian công tác ở đây. Người này cho biết: “đúng là khu đất đó! Thời kỳ đầu chỉ có ao nuôi cá, và có cái chuồng nuôi heo thôi…”
Trong khi đó, tại Văn bản số 2953/ĐHM ngày 28.11, gửi Báo Đại biểu Nhân dân, Trường ĐH Mở nêu: “Từ khi Trường có chủ trương xây dựng trại thực nghiệm Bình Thuận đến nay, toàn bộ khu đất thực hiện dự án do Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường. Hiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến trại thực nghiệm Bình Thuận của Trường đang được lưu trữ sau khi nhận bàn giao từ ông Đỗ Sa Kỳ”…
Việc "tự nguyện hiến đất" có đúng quy định?
Năm 2014, TTCP đã chỉ ra những sai phạm tại Dự án Trại thực nghiệm (nêu trên) và đã kết luận: “Việc Hiệu trưởng Trường ủy quyền cho cá nhân sử dụng tiền của Trường để mua đất cho dự án nhưng đứng tên cá nhân là không đúng quy định”.
Các tài liệu cho thấy, người được Hiệu trưởng Trường ủy quyền và đứng tên khu đất là ông Đỗ Sa Kỳ, lúc bây giờ là Trưởng phòng Đầu tư xây dựng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (NCƯD-CGCN). Ông Kỳ hiện là Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, quá trình xử lý, khắc phục các sai phạm kéo dài đến nay 10 năm vẫn chưa xong. Đáng chú ý, ngày 22.7.2022, vợ chồng ông Đỗ Sa Kỳ đã có “Đơn hiến quyền sử dụng đất” gửi UBND huyện Hàm Thuận Nam và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Nam. Theo đó, vợ chồng Kỳ “xin thống nhất hiến quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cụ thể là Trường ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh để xây dựng dự án trại thực nghiệm của Trường”.
Dư luận băn khoăn: tại sao từ năm 2014, TTCP kết luận Trường ĐH Mở dùng tiền mua đất và để ông Đỗ Sa Kỳ Đứng tên khu đất là sai quy định nhưng mãi đến năm 2022 ông Kỳ lại có đơn “hiến quyền sử dụng đất”? Phải chăng đất đó là thuộc sở hữu của ông Kỳ?
Nhìn nhận về vấn đề “tự nguyện hiến quyền sử dụng đất” trên, Luật sư Trương Hồng Điền, Trưởng Văn phòng luật sư Xuân Phú cho rằng: "Trường ĐH không có chức năng đầu tư bất động sản; việc tham gia đầu tư tài chính hoặc tài sản cố định của các Đại học cũng phải tuân thủ chặt chẽ quy định, trình tự của một pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học. Đặc biệt, với pháp nhân công lập, có cơ quan chủ quản, thì việc sử dụng tài sản công phải có đề án và theo quy chế tài chính. Việc Trường ĐH Mở dùng tiền Trường để mua đất và ủy quyền cho một cá nhân khác đứng tên, là có dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý tài sản công. Với lý do xây dựng các trung tâm thực nghiệm, thì cũng không thể dùng tiền của pháp nhân chi cho cá nhân đứng tên quyền sử dụng đất".
Theo Luật sư Trương Hồng Điền, việc “hiến đất” sau nhiều năm có KLTT là cách khắc phục hậu quả, nhưng nếu không thực hiện được các thủ tục pháp lý cần thiết, không đưa vào sử dụng đúng mục đích của trường, thì là rất lãng phí. Pháp luật đất đai không có quy định về hiến đất, chỉ có quy định về tặng cho quyền sử dụng đất. Do đó, việc dùng quyền sử dụng đất có được từ tiền của Trường để tặng lại cho Trường là cách làm mang tính khắc phục sai phạm là chủ yếu.
Với vụ việc trên, cần làm rõ quá trình chuyển tiền của Trường Đại học Mở cho cá nhân đi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào, có những sai phạm cụ thể thuộc về những ai.
"Cần làm rõ lý do vì sao khi đã có kết luận thanh tra chỉ rõ sai phạm gần 10 năm, vẫn chưa khắc phục được, dẫn đến sai phạm vẫn tồn tại và lãng phí tài sản công. Trách nhiệm trong việc gây thất thoát nếu có và việc lãng phí ngân quỹ của trường, cũng phải được làm rõ, thậm chí có thể xử lý hình sự về tội tham ô nếu có dấu hiệu chiếm đoạt bớt số tiền được chi từ ngân quỹ. Trường hợp, Hội đồng trường hiện nay từ chối nhận tặng cho quyền sử dụng đất nói trên, do không thể khai thác cho mục đích giáo dục của Trường thì việc trả lại ngân quỹ cho trường kèm lãi suất trả chậm do gây thiệt hại khi để lãng phí số tiền đã chi ra trong nhiều năm qua, cần phải được đặt ra và giải quyết sớm, dứt điểm”, luật sư Điền khẳng định.
* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.