Đồng nhất hay thống nhất?
Một chuyên gia về cải cách hành chính cho biết, ông thấy vui vì tại Phiên họp toàn thể mới đây, nhiều thành viên Đoàn giám sát của QH về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 đã nghiêm túc đặt vấn đề cần xem lại việc tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo mô hình đồng nhất như hiện nay.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện hầu như được tổ chức theo mô hình “búp bê Nga” tức là, trên Trung ương có tổ chức nào thì ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng có các tổ chức tương ứng. Theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì hiện vẫn có tới 17/21 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được tổ chức “cứng” ở các địa phương, có tên gọi và lĩnh vực phụ trách tương ứng với các bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương. Cùng với đó là, việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện còn “cào bằng” giữa các địa phương, không có sự phân biệt giữa tỉnh có quy mô dân số, diện tích lớn hay nhỏ. Chỉ có một số rất ít cơ quan (4/21) được tổ chức phù hợp với từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, hải đảo hoặc có tính chất đặc thù trên cơ sở đáp ứng tiêu chí, điều kiện theo Nghị định của Chính phủ. Ts. Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh so sánh, một huyện miền núi mới thành lập cũng được tổ chức bộ máy đầy đủ các ban bệ y chang một quận ở TP Hồ Chí Minh thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng nơi thì dư thừa, lãng phí nguồn lực (cả về biên chế, chi phí hành chính, cơ sở vật chất…), nơi thì chật vật xoay xở để có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên, theo các chuyên gia của Đoàn giám sát chính là do việc thực hiện phân cấp, phân quyền chưa triệt để. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đặt ra những quy định mang tính nguyên tắc trong phân cấp, phân quyền và ủy quyền nhưng đến nay, các luật chuyên ngành vẫn chưa phân định rạch ròi và triệt để giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Trung ương và của từng cấp chính quyền địa phương. Trong các luật chuyên ngành, bên cạnh việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước cho các bộ, cơ quan ngang bộ thì vẫn có một điều khoản “quét” quy định chung “UBND các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực… được giao”. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về công vụ giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Nói cách khác là, một việc được giao cho cả 4 cấp chính quyền cùng làm nhưng lại không rõ, từng cấp làm gì, có thẩm quyền đến đâu. Ts. Trần Du Lịch chỉ rõ, nếu vẫn duy trì mô hình đồng nhất như vậy thì không thể cải cách tổ chức bộ máy hành chính thành công được.
Trở lại với vị chuyên gia kể trên, lý giải cho việc “thấy vui” của mình, ông cho biết, những kết quả còn khiêm tốn trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vừa qua có một phần rất quan trọng từ nhận thức. Câu chuyện “đồng nhất” giữa các cấp chính quyền không phải bây giờ mới được đặt ra. Nhưng trước đây, và ngay cả hiện nay, nhiều người vẫn quan niệm như thế mới là một nền hành chính thống nhất và thông suốt. Người ta không muốn thừa nhận một thực tế là mô hình ấy không chỉ làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả mà còn làm giảm, thậm chí là triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương. Phản ứng chậm chạp trước tình hình thực tế tại địa phương, ỷ lại, trông chờ vào các bộ, ngành Trung ương - những sự việc minh chứng cho điều này có thể thấy rất nhiều trong nền hành chính của chúng ta.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, có những vấn đề mới về tổ chức bộ máy hành chính bắt buộc chúng ta phải thay đổi trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Nhưng tư duy của nhiều người vẫn còn giằng níu giữa cái mới và cái cũ, chưa nhận thức đầy đủ tư tưởng và quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước, cứ lấy lý do đặc thù về thể chế chính trị mà bao biện cho việc trù trừ, ngần ngại thay đổi. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính luôn là công cuộc khó khăn và phức tạp. Nhưng sẽ càng khó khăn và phức tạp hơn nữa, nếu lực cản trong tư duy và nhận thức vẫn còn!