TIẾP LỬA!

- Thứ Sáu, 25/02/2022, 09:03 - Chia sẻ

Tại sao HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương hoạt động có chỗ còn hình thức? Tại sao các nội dung HĐND quyết định không thể chuẩn bị từ sớm từ xa với việc huy động nguồn lực trí tuệ của các chuyên gia trên các lĩnh vực một cách thấu đáo? Tại sao vai trò giám sát của HĐND ở một số nơi, một số việc mờ nhạt kéo dài? Và tại sao những sai phạm ngay ở địa phương trong quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19… được phát hiện xử lý mà không thấy “bóng dáng’’ HĐND, đại biểu HĐND ở đâu?

N

hững câu chuyện “muôn thủa” như vậy đang đón luồng gió mới và được “tiếp lửa” từ cách làm mới đặt ra ở Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc.

Lời "hiệu triệu" đổi mới

Không phải ngẫu nhiên các tham luận đều có chung nhận định tầm quan trọng của hội nghị có tính "cách mạng" trong phương pháp làm việc của cơ quan dân cử. Nhưng quan trọng hơn chính là nguồn năng lượng mới “ào ạt” đến từ bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Tình cảm, sự sẻ chia của hội nghị tính chất “hội đồng” đã nhường lại cho tư duy sắc bén, quyết liệt từ người đứng đầu cơ quan lập pháp. Sự day dứt, sáng tạo như nguồn năng lượng mới “bùng cháy” hướng tới từng đại biểu, tác động mạnh mẽ nhận thức vai trò, vị trí cơ quan dân cử trong bộ máy nhà nước, trong lòng cử tri với cách làm khoa học vận hành bộ máy; khơi dậy trí tuệ, trách nhiệm, tính chủ động sâu sát của mỗi đại biểu và năng lực tiềm tàng của HĐND. Và như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Phải đặt và coi đại biểu HĐND là trung tâm; chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND quyết định chất lượng, hiệu quả công tác của HĐND nói chung và mọi quyết sách liên quan đến chính quyền địa phương theo thẩm quyền, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và trước hết." Đây là lời "hiệu triệu", là trách nhiệm đổi mới của HĐND các cấp!

Hoạt động hình thức sẽ vẫn là hình thức nếu HĐND các cấp không thực sự bắt tay vào đổi mới tổ chức hoạt động. Bài học kinh nghiệm dù hay đến mấy vẫn là bài học kinh nghiệm để đấy. Nếu chỉ đến hội nghị báo cáo và lắng nghe là chưa đủ. Việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND là công việc thực sự lớn, quan trọng và cấp thiết; là đòi hỏi mạnh mẽ trước hết đến từ cử tri, từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và từ chính người đứng đầu ở HĐND phải nhận lãnh trách nhiệm hàng đầu. Người đứng đầu tiếp lửa nhiệt huyết cho mỗi đại biểu đang ở đâu và sẽ bắt đầu như thế nào sau hội nghị quan trọng này? Cũng đã có nhiều tham luận nêu bài học từ cách làm của Quốc hội : "Từ các diễn đàn của Quốc hội chúng tôi đã học tập được nhiều kinh nghiệm trong cách thức, phương pháp điều hành để vận dụng vào thực tiễn địa phương, với phương châm đồng hành cùng với UBND tỉnh để đáp ứng kịp thời, linh hoạt quá trình triển khai nhiệm vụ trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế "...- Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành chia sẻ. Nhưng vấn đề là cách làm mới làm sao sáng tạo và quyết liệt thoát khỏi cái bóng "hình thức", phát huy sức mạnh, trí tuệ của đại biểu HĐND, các cơ quan cơ quan giúp việc HĐND. Trách nhiệm này đặt lên vai người đứng đầu HĐND ở mỗi địa phương dám nghĩ, dám làm, "cách mạng phương pháp làm việc".

Con đường cũ, cách làm cũ đi mãi cũng mòn. Con đường mới, cách làm mới không tìm tòi, không hành động sao có được! Ngọn lửa đổi mới bùng cháy hay âm ỉ, nóng bỏng hay lạnh lùng tắt ngấm sau mỗi cuộc họp là điều đáng suy nghĩ nếu HĐND không có chương trình hành động và những đề án đổi mới khoa học, thực tiễn, kỹ lưỡng cùng với quyết tâm chính trị của lãnh đạo mỗi địa phương bắt tay ngay vào việc khi khởi đầu nhiệm kỳ này.

Khuyến nghị "đắt giá"

Phẩm chất người đại biểu nhân dân là rất quan trọng. Sáng tạo hay trì trệ, chủ động hay đợi chờ “mâm cỗ bày sẵn” cho quyết sách và ủy thác trách nhiệm thực thi? Chính tư duy và cách làm cũ khô cứng, tránh né, vì lợi ích cục bộ đã hạn chế và làm suy giảm quyền lực của HĐND, biến nó thành tổ chức có những quyết sách hình thức hay giám sát “cưỡi ngựa xem hoa”. Phát huy năng lực của HĐND không là khẩu hiệu mà ở ngay chính cách làm; bài học từ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về việc sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đây là một khuyến nghị "đắt giá" về việc tổ chức, huy động nguồn lực sáng tạo giúp HĐND giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra khi mong muốn quyết sách thực chất; làm việc chuyên sâu, chuyên nghiệp, nắm rõ vấn đề, đầy đủ thông tin từ sớm, từ xa… Tư duy mới, cách làm mới cho HĐND không thể chỉ cháy âm ỉ cho đến hết nhiệm kỳ. Vị thế, vai trò HĐND không không chỉ phụ thuộc vào quy định của luật như thế nào mà chính ở việc vận hành quy định của luật hiệu quả thực chất hay không? Ngọn lửa "cách mạng phương pháp làm việc" bùng cháy thế nào?... Và sẽ “vẫn y nguyên” nếu ngọn lửa đổi mới mà Chủ tịch Quốc hội đã nhóm lên mà HĐND các tỉnh, thành phố không bắt đầu quyết liệt, hành động ngay từ diễn đàn đầu tiên quan trọng này!

Nhiệm kỳ mới, hy vọng mới, luồng gió mới, cách làm mới từ Quốc hội sẽ tiếp lửa đổi mới, sáng tạo linh hoạt thích ứng với thực tiễn ở HĐND 63 tỉnh thành phố trong cả nước bùng cháy!

Bài: Thanh Hà; Ảnh: Duy Thông