Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho một lần khám thai.
Theo Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, quy định này không hợp lý, bởi trên thực tế, trong suốt thời gian mang thai và sinh con, lao động nữ đi khám thai nhiều hơn 5 lần. Các khuyến nghị dưới góc độ y khoa là thông thường thai phụ phải trải qua ít nhất khoảng 7 lần khám thai định kỳ. Ngoài ra, bà bầu còn có những lần khám thai theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ, để bảo đảm sự phát triển của thai nhi và an toàn sức khỏe cho người mẹ.
Vì thế, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đề xuất dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai lên 7 lần. Ngoài ra, lao động nữ có thể nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong trường hợp phải đi khám thai nhiều hơn 7 lần theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, về mức trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo đề xuất mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con chết hoặc chết lưu. Theo Công đoàn, mức trợ cấp như đề xuất của dự thảo là quá thấp, không đáp ứng được các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Đặc biệt, căn cứ vào mức sống của từng vùng, số tiền trợ cấp nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.
Vì vậy, mức trợ cấp trên cần tăng để bảo đảm thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cụ thể, mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn. Thời gian hưởng trợ cấp 4 tháng (4 tháng là thời gian hồi phục cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho người mẹ sau sinh con trước khi trở lại làm việc). Chi phí hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách nhà nước bảo đảm và có sự chia sẻ quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả bà mẹ sinh con tại Việt Nam.
Đại diện Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đánh giá dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này có nhiều sửa đổi so với trước đây, trong đó có các quy định liên quan đến quyền lợi của lao động nữ như chế độ chăm sóc con ốm đau; chế độ hưởng khi khám thai, sinh con; chế độ đối với người mang thai hộ; chế độ với người nhận nuôi con nuôi; chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần... Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo về chính sách đối với lao động nữ cần được tiếp thu, chỉnh sửa nhằm cải thiện tốt hơn quyền của lao động nữ.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10.2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5 và có hiệu lực từ 1.7.2025.