Đây là nhấn mạnh của các đại biểu tại Hội nghị tập huấn truyền thông về công tác hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chiều 25.4, tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về quá trình Việt Nam tham gia, đóng góp vào các hoạt động hội nhập quốc tế. Thời gian qua, sự tham gia chủ động và tích cực của các cơ quan truyền thông trong nước đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng, phát triển cộng đồng ASEAN cũng như thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị của nhiều di sản tự nhiên, văn hóa đúng theo tinh thần của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO).
Tới dự và trình bày tham luận chuyên đề tại hội nghị là các diễn giả khách mời, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Thường trực Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An…cùng đông đảo các nhà báo và phóng viên chuyên trách đến từ nhiều cơ quan báo chí.
Hội nghị gồm 3 phiên, tập trung vào các nội dung chính: Thứ nhất, tình hình thế giới, khu vực và chính sách đối ngoại Việt Nam; Thứ hai, trọng tâm công tác và định hướng đối ngoại của UNESCO trong năm 2024. Thứ ba, hợp tác và hội nhập trong khuôn khổ ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long khẳng định, triển khai truyền thông về các hoạt động liên quan đến ASEAN và UNESCO là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Qua đó, hội nghị không chỉ là dịp để các phóng viên và cán bộ truyền thông giao lưu, mà còn là cơ hội để các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến các hoạt động tuyên truyền ASEAN và UNESCO có thêm cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.
Những thông tin chuyên sâu được đưa ra thảo luận tại hội nghị sẽ là nguồn tài nguyên hữu ích, phục vụ công tác đưa tin, nâng cao chất lượng bài viết về công tác đối ngoại. “Làm sao để tuyên truyền sâu hơn, hay hơn, trúng, đúng và đáng tin cậy hơn về hiểu biết xung quanh cộng đồng ASEAN và các chủ đề UNESCO”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Nhắc lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về ngoại giao Việt Nam thời gian gần đây: “Chưa bao giờ nước ta có cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế như hiện nay”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Vũ Duy Thành cho biết, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều nước trong thời gian qua, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc…Với bản sắc “ngoại giao cây tre”, Việt Nam từng bước nâng tầm đối ngoại đa phương, đối ngoại quốc phòng và ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ phát triển đất nước.
Nhìn lại năm 2023, đối ngoại là bước đi quan trọng, ưu tiên số một của nước ta, nhất là khi đặc trưng nổi bật của cục diện thế giới hiện nay khác so với các giai đoạn trước - “đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện mới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc”. Theo ông Vũ Duy Thành, với tư cách là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN, Việt Nam không thể “làm ngơ” trước những vấn đề nóng trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn như vấn đề tranh chấp Biển Đông tại một số quốc gia Đông Nam Á, chia luồng ý kiến bên lề trận chiến Nga - Ukraine, Israel - Hamas…đang ảnh hưởng lớn đến hòa bình khu vực.
Vì vậy, cán bộ báo chí - truyền thông cần chọn lọc thông tin để đưa đến độc giả, lưu ý giữ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền dân tộc, đồng thời nêu cao tính hòa bình, nhân đạo. Đáng chú ý, cần phát huy chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt và khôn khéo của Việt Nam vào công tác truyền thông. Đây vốn là điểm sáng được dư luận quốc tế đánh giá cao khi nói về ngoại giao Việt Nam, góp phần duy trì tốt mối quan hệ của nước ta với tất cả các nước lớn trên thế giới, chú trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu khách mời cũng đã trao đổi thêm và giải đáp thắc mắc của nhà báo, phóng viên tham gia tập huấn về một số vấn đề trọng điểm, như: tầm nhìn năm 2035 trong lĩnh vực thông tin truyền thông ASEAN, chi tiết chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia về UNESCO và các tiểu ban với trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông, thông qua ví dụ điển hình về tuyên truyền bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Ghi nhận những ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính chuyên môn cao về hoạt động đối ngoại tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông Triệu Minh Long kỳ vọng, chương trình tập huấn đã mang lại một lượng thông tin quý báu, mở rộng kiến thức cho cộng đồng báo chí để lan tỏa tốt hơn về thông tin đối ngoại trên các phương tiện truyền thông, qua đó nâng cao hiểu biết của người dân về quá trình hội nhập, cũng như về vai trò của UNESCO và ASEAN trong mối quan hệ với Việt Nam.