Dự diễn đàn có: Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Bùi Hoàng Tùng; Phó trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Lưu Anh Đức; Quản lý chính sách Nhựa, Chương trình Giảm nhựa, WWW Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Mạnh Hoài; Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng; Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Đặng Quốc Khánh…
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả không tốt đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Vì vậy, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023, Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ.
Tại Diễn đàn, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn thanh niên các liên chi thuộc đoàn trường đại học Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa…
Có thể nói, rác thải nhựa không phải là câu chuyện mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thế nhưng, lại là vấn đề luôn “nóng”, bởi tình trạng “ô nhiễm trắng” do rác thải nhựa vẫn luôn hiện hữu. Những hậu quả do rác thải nhựa gây ra đã đến mức báo động trên toàn cầu, khi tác động tới môi trường và sức khỏe con người.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận Thực trạng và giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa đại dương; một số hoạt động chống rác thải nhựa đã được các cơ sở được Đoàn thanh niên triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước; những chính sách mới về giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam; hiện trạng và một số giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng; những chuyển biến trong việc thực hiện các chính sách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong thời gian qua; sáng kiến, những cách làm hay, những sự thay đổi thực sự trong các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội chung tay chống rác thải nhựa…
Theo Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam Hoàng Đức Vượng: Hiện vật dụng bằng nhựa xuất hiện nhiều trong đời sống con người, gây ra lượng rác thải nhựa rất lớn, tác động không nhỏ đến môi trường sống của con người cũng như các sinh vật trên trái đất. Vì vậy để hạn chế rác thải nhựa, cần làm tốt việc phân loại rác tại nguồn là khâu quan trọng nhất. Qua đó, việc xử lý rác thải được thuận lợi và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Các ban ngành chức năng cần ban hành quy chuẩn an toàn trong sản xuất nhựa tái chế, vì hiện nay quy chuẩn an toàn chủ yếu được các nhà sản xuất tham khảo của nước ngoài. Việc ban hành quy chuẩn đối với việc tái chế nhựa sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Vượng cho rằng, cần lan toả tinh thần hệ sinh thái tuần hoàn thông qua tổ chức chính trị, các đoàn thể đặc biệt lực lượng đoàn thanh niên, khởi đầu bằng biện pháp: Phân loại rác tại nguồn; Sử dụng nhựa an toàn. Qua đó, việc xử lý rác thải được thuận lợi.
Ở góc nhìn khác, theo Phó trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Biển và Hải đảo Lưu Anh Đức, thời gian qua, Việt Nam chủ động tham gia thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa; Tham gia thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành các hành lang pháp lý đối với việc xử lý chất thải rắn... Tuy nhiên, vẫn cần sự đồng hành của các bên liên quan, các tổ chức chính trị, nhất là đoàn thanh niên. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.
+ Tại diễn đàn, các đại biểu cùng Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký cam kết chống rác thải nhựa.