Nên hạn chế sản xuất hay nâng cao quản lý rác thải nhựa?

- Chủ Nhật, 19/11/2023, 23:01 - Chia sẻ

Phiên đàm phán thứ 3 về Hiệp ước Toàn cầu giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đã diễn ra tại Thủ đô Nairobi, Kenya (từ ngày 13 - 19.11), dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Các đại biểu đã kỳ vọng đạt được văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý về vấn đề này trước cuối năm 2024. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đối mặt nhiều khó khăn do những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của các nước.

Hội nghị quy tụ đại diện của 175 quốc gia, được xem là nỗ lực trong việc chống rác thải nhựa đang tác động sâu sắc đến môi trường, hệ sinh thái trên toàn cầu. Đây là phiên đàm phán tiếp nối các phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp tháng 6.2023. Tổng thống nước chủ nhà Kenya William Ruto nhấn mạnh, để giải quyết ô nhiễm nhựa, con người phải thay đổi cách tiêu dùng, cách sản xuất và cách xử lý rác thải.

Số lượng rác thải vượt quá tầm kiểm soát

Ô nhiễm nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi các quốc gia cần hành động quyết liệt hơn. Một thống kê cho thấy, sản lượng nhựa đã tăng gấp đôi sau 20 năm, lên gần 400 triệu tấn mỗi năm vào năm 2021. Trung bình, mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn nhựa trôi nổi ra các đại dương. Đáng chú ý, ước tính, hơn 80% rác thải nhựa đại dương toàn cầu được thải ra từ châu Á.

Trong khi đó, theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí Global Policies Outlook, tại châu Phi cận Sahara, cứ mỗi phút trôi qua lại có một lượng rác nhựa được thải ra môi trường một cách công khai, đủ để bao phủ một sân bóng đá. Số lượng rác thải nhựa ở châu Phi đang vượt quá tầm kiểm soát và tăng nhanh hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nếu xu hướng này không được ngăn chặn, đến năm 2060, Lục địa Đen sẽ gánh chịu thêm 116 tấn rác thải nhựa mỗi năm, gấp hơn sáu lần so con số 18 tấn năm 2019.

Không chỉ tại châu Phi, trên toàn thế giới số lượng rác thải nhựa cũng tăng với tốc độ nhanh chưa từng có trong những năm qua. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, thế giới hiện sản xuất khoảng 400 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó chưa đến 10% được tái chế, số còn lại bị thải ra môi trường hoặc không được xử lý đúng cách. Điều này không chỉ làm gia tăng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa còn là mối đe dọa trực tiếp đối với môi trường, gây hại cho sức khỏe con người và làm mất cân bằng hệ sinh thái của Trái Đất.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), hoạt động sản xuất nhựa góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019 và có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060.

Gánh nặng chi phí 

Rác thải nhựa gây ra ô nhiễm môi trường không những tạo ra hệ lụy về đời sống, mà còn mang đến gánh nặng về chi phí, đặc biệt là với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Theo báo cáo mới của Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên, chi phí thực sự của nhựa đối với môi trường, sức khỏe và nền kinh tế có thể cao hơn gấp 10 lần đối với các nước thu nhập thấp, mặc dù lượng tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở các nước này chỉ bằng 1/3 so với các nước có thu nhập cao. Đây là hồi chuông cảnh báo về những chi phí tiềm ẩn của tình trạng ô nhiễm này.

Theo điều phối viên Chương trình Sáng kiến kinh tế tuần hoàn, Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên, ông Alex Kubasu, Kenya đang nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, phải chi từ 150 đến 200 USD để quản lý 1 kg nhựa, trong khi các quốc gia phát triển, giàu có chỉ cần chi 19 USD để quản lý 1 kg nhựa. Và quan trọng nhất, Kenya thậm chí còn không được tham gia vào các cuộc đàm phán trong thiết kế hay trong giới hạn hoạt động sản xuất nhựa.

Báo cáo cũng chỉ ra 3 bất bình đẳng về cơ cấu làm tăng tác động lên các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Thứ nhất, các quốc gia này có ảnh hưởng tối thiểu đến các quyết định sản xuất và thiết kế các sản phẩm nhựa, chủ yếu được sản xuất ở các quốc gia có sản lượng nhựa dồi dào. Thứ hai là tốc độ sản xuất nhựa nhanh chóng, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần đã vượt quá nguồn lực tài chính và kỹ thuật sẵn có để quản lý chất thải ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Bất bình đẳng thứ ba được nhấn mạnh là thiếu cơ chế công bằng để buộc các quốc gia và công ty phải chịu trách nhiệm về hành động đối với ô nhiễm nhựa.

Trước tình trạng này, các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào năng lực tái chế rác thải nhựa. Song những bất cập về kỹ thuật, tài chính nhằm mở rộng quy mô và giải quyết các thiếu sót về cơ sở hạ tầng phục vụ cho tái chế nhựa vẫn đang là một bài toán nan giải. Việc giải bài toán rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đây là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia chứ không chỉ riêng một nước nào.

Bất đồng quan điểm

Kenya là quốc gia đi đầu thế giới trong việc chống ô nhiễm nhựa và vào năm 2017, nước này đã cấm sản xuất, bán và sử dụng túi nhựa dùng một lần. Một trong những lệnh cấm nghiêm ngặt nhất đối với sản phẩm, những người vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với án phạt và án tù lên tới 4 năm. Hai năm sau, Kenya cấm các loại nhựa sử dụng một lần như dao kéo, ống hút ở công viên, rừng, bãi biển và các khu bảo tồn khác. Quốc gia này cũng đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề môi trường với tư cách là nơi đặt trụ sở chính của UNEP. Đất nước này tạo ra hơn 70% điện năng từ các nguồn tái tạo.

Mặc dù các nước đã nhất trí về việc cần có một hiệp ước ngăn chặn rác thải nhựa, nhưng vẫn tồn tại những bất đồng về nội dung văn kiện này. Tiến trình đàm phán đang đối mặt nhiều khó khăn do hai luồng ý kiến khác nhau là hạn chế sản xuất nhựa hay quản lý rác thải nhựa.

Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya đã ủng hộ quan điểm hạn chế sản xuất nhựa. Các nước này đã kêu gọi đưa vào hiệp ước những điều khoản cứng rắn như loại bỏ dần hoặc giảm sản xuất, sử dụng nhựa nguyên sinh, vốn có nguồn gốc từ dầu mỏ, đồng thời xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm, như PVC và các loại nhựa chứa các nguyên vật liệu độc hại. Theo đó, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng ủng hộ quan điểm này vì họ cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng hiện nay là các hoạt động sản xuất và sử dụng nhựa tràn lan, và không được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng như những nhà sản xuất nhựa hàng đầu thế giới lại phản đối quan điểm trên. Trong một đề xuất được đưa ra trước cuộc đàm phán lần này, Ảrập Xêút là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới cho rằng, nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là do rác thải nhựa chưa được quản lý hiệu quả. Do đó, thay vì hạn chế sản xuất và sử dụng, hiệp ước cần tập trung vào việc quản lý chất thải, tái chế và tái sử dụng nhựa. Quốc gia này đã công bố thành lập Liên minh toàn cầu về nhựa bền vững gồm các quốc gia có ngành công nghiệp hóa dầu lớn, nhằm thúc đẩy hiệp ước tập trung vào xử lý rác thải nhựa thay vì hạn chế sản xuất nhựa. Các nhà phân tích cho rằng, khoảng 98% nhựa dùng một lần có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, vì vậy không ngạc nhiên khi các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới không nhất trí với đề xuất cắt giảm sản lượng nhựa.

Theo kế hoạch, sau vòng đàm phán tại Kenya lần này, hiệp ước về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa sẽ tiếp tục được thảo luận vào tháng 4.2024 tại Canada và kết thúc tại Hàn Quốc vào cuối năm 2024. Giới chuyên gia kêu gọi các nước sớm giải quyết bất đồng và thống nhất về một hiệp ước hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý trên toàn cầu, qua đó bảo vệ hành tinh trước những nguy cơ từ rác thải nhựa.

Như Ý
#