- Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự phiên họp thẩm tra dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
- Góp ý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
- Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Rà soát quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Đánh giá cao dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã có các quy định giúp cắt giảm các thủ tục hành chính trong việc cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thực hiện tiếp nhận hồ sơ bằng phương thức trực tuyến. Tuy nhiên, ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) nhận thấy, tại dự thảo Luật chưa có nhiều quy định để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đổi mới công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo hướng thuận tiện, linh hoạt và công khai. Trong đó, có việc tham khảo thêm kinh nghiệm của một số nước về xây dựng niên giám quốc gia để hệ thống hóa và thường xuyên cập nhật các kiểu, loại vũ khí mới kèm theo tính năng, thông số kỹ thuật của từng loại; hoặc thực hiện đăng Công báo các loại vũ khí, chất nổ.
“Việc xây dựng và cập nhật niên giám quốc gia hoặc đăng Công báo góp phần làm công khai, minh bạch quá trình quản lý vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác tra cứu về các loại vũ khí, chất nổ và công cụ hỗ trợ. Việc này cũng sẽ giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân có cơ sở để phân biệt những loại vũ khí, công cụ nào thuộc danh mục của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và những loại công cụ nào thuộc danh mục do Bộ Công thương quản lý”, đại biểu Vương Quốc Thắng nói.
“Dự thảo Luật có nhiều khoản, điều đề cập đến tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, các quy định này còn khái quát, chủ yếu là viện dẫn đến các quy định chung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 đã quy định, sau khi Luật này có hiệu lực, các bộ, ngành sẽ không được quyền ban hành tiêu chuẩn ngành, hệ thống tiêu chuẩn ngành đã được ban hành trước đó được xem xét, chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Nhấn mạnh lý do này, đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị, Ban soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thiết kế, xây dựng các quy định về nội dung này, để bảo đảm sự thống nhất giữa các luật liên quan. Đặc biệt là trong việc áp dụng, viện dẫn đến các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài.
Nghiên cứu kỹ tác động của quy định về vũ khí thô sơ
Trong thời gian qua, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, dao sắc, dao sắc nhọn có tính sát thương rất cao. Nhưng, thực tế xét xử các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự những đối tượng này khi có đủ căn cứ kết luận phạm tội về các tội danh giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… Tuy nhiên, hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí với các loại dao gây án không xử lý được vì Luật hiện hành không quy định dao là một loại vũ khí. Do vậy, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) tán thành bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào các loại vũ khí thô sơ, cũng như quy định chi tiết về loại hình “dao có tính sát thương cao” nào được xác định là vũ khí thô sơ trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã đưa ra danh mục vũ khí thô sơ bao gồm dao đi rừng, dao nhà bếp như dao chặt xương, dao chặt gà, dao thái lọc, dao phi lê… Đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị, cơ quan chức năng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định chặt chẽ hơn về nội dung này để tránh gây xáo trộn, khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất thường ngày của người dân, qua đó bảo đảm tính khả thi khi triển khai thực hiện luật.
Trên thực tế rất khó xác định khi nào dao được xem là vũ khí nếu chỉ gắn với tiêu chí “mục đích sử dụng” như quy định tại dự thảo Luật. Người sản xuất, người bán, cho mượn, tặng dao… chưa hẳn có mục đích sử dụng dao cho việc gây án. Người mua, người mượn cũng sử dụng dao cho nhiều mục đích khác nhau. Trong khi đó, tại dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định về những loại hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí; về thủ tục khai báo sản xuất, vận chuyển, mua bán, gửi, mượn, cho mượn, tặng, cho… đối với vũ khí thô sơ, trong đó có dao.
Do rất khó xác định khi nào dao được xem là vũ khí hoặc không phải là vũ khí nếu như chưa được mang ra sử dụng, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị, cần đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng và phải quy định cụ thể, chặt chẽ hơn khi xem dao là vũ khí trong các trường hợp vận chuyển, mua bán, gửi, cho mượn, tặng. Qua đó, góp phần tránh xử lý oan sai hoặc bỏ sót tội phạm, song cũng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, tổ chức. “Cần rà soát các quy định về nội dung này để loại bỏ những quy định không hợp lý, có nguy cơ trở thành rào cản, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) lưu ý, trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tình hình an ninh, trật tự thì việc sử dụng vũ khí để khống chế, tiêu diệt mục tiêu cụ thể là động vật (như chó, rắn…) là cần thiết. Do vậy, đại biểu đề nghị, quy định tại khoản 1, Điều 4 về giải thích khái niệm “vũ khí” cần quy định theo hướng “vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những thiết bị, phương tiện được chế tạo, sản xuất, lắp ráp có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, động vật, phá hủy kết cấu vật chất”.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào quy định về các hành vi bị cấm trong dự thảo Luật đối với hành vi cố ý làm giảm tính năng hoạt động, hiệu quả sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao. Bởi, trong thực tế có trường hợp tuy không hủy hoại, làm hư hỏng nhưng cố ý làm giảm tính năng hoạt động, hiệu quả sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được giao dẫn đến làm giảm hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh.