Những năm gần đây, trên thị trường game của Việt Nam đã nổi lên bốn nhà phát hành thường được gọi với cái tên “tứ vương” gồm: VNG, Garena, VTC và Funtap. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng Funtap lại là một trong những nhà phát hành game vươn lên mạnh mẽ và xây dựng một hệ sinh thái công nghệ số khá đồ sộ.
Funtap được ra đời vào năm 2015 và là ý tưởng của duy nhất 3 lập trình viên. Trong 1 năm đầu hoạt động, nhà phát hành game này đã thành công thu hút 10 triệu lượt chơi với tập trung phát triển ở kiểu game thẻ tướng. Với các tựa game nổi tiếng như Tuyệt thế chiêu hồn, MU Vượt thời đại, Tình kiếm 3D, Funtap hiện được gọi là một trong các công ty game lớn nhất Việt Nam. Công ty hiện tại đã sở hữu quy mô doanh nghiệp trên 600 người và thu hút hơn 42 triệu user.
Sau khi trở thành một trong những nhà phát hành dịch vụ trò chơi trực tuyến trên di động hàng đầu tại Việt Nam, Funtap đã nghiên cứu, phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế số. Trong đó, nổi lên lĩnh vực Fintech với các sản phẩm như ví điện tử 9Pay (cổng nạp game của Funtap), ứng dụng fintech Tikop.
Nhờ việc liên tục phát hành các tựa game online, trong các năm gần đây, doanh thu của Funtap liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo dữ liệu về doanh nghiệp, Funtap hiện tại đang có vốn điều lệ ở mức hơn 36 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Minh với chức danh Giám đốc. Cấu trúc sở hữu Funtap gồm: Công ty quỹ Makes II (người nước ngoài, sở hữu12,13%), Công ty cổ phần Soulbel Hàn Quốc (sở hữu 2,47%), quỹ Đổi mới DTNI – Starup (sở hữu 1,1%), Colopl next (sở hữu 1,1%), Công ty TNHH Soulbei (sở hữu 0,42%) và người khác (sở hữu 82,78%). Funtap hiện tại có một số công ty con như Công ty cổ phần Credita và Công ty cổ phần 9SIMP…