Vinachem tất toán khoản vay 8.300 tỷ VNĐ nguồn Eximbank Trung Quốc

- Thứ Bảy, 23/12/2023, 07:28 - Chia sẻ

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tập trung toàn bộ nguồn lực ưu tiên trả nợ khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình, trong đó đã trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 1.680 tỷ đồng. Đặc biệt, tại tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nhìn lại và hướng tới”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hữu Tú cho biết ngày 19.8 vừa qua, Tập đoàn đã trả hết toàn bộ nợ gốc, lãi, phí khoản vay 340 triệu USD (khoảng 8.300 tỷ VNĐ) Bộ Tài chính - nguồn Eximbank Trung Quốc.

Giai đoạn khó khăn

Ngày 30.9.2008, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) đã ký Hợp đồng cho vay lại số 17/ĐLUT/HĐ với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Sở giao dịch III (Ngân hàng được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại), khoản vay theo Hiệp định tín dụng người mua ưu đãi giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank Trung Quốc). Mục đích sử dụng tiền vay để đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Ninh Phúc - Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình), với số tiền vay 250 triệu USD (khoảng 606 tỷ VNĐ), thời hạn vay 15 năm.

Nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất có lãi. Ảnh: N.T
Nhà máy Đạm Ninh Bình sản xuất có lãi. Ảnh: N.T

Tháng 5.2008, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) được khởi công với tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn do Vinachem làm chủ đầu tư, trong đó có khoản vay từ Eximbank Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào lớn, khả năng cạnh tranh thấp dẫn tới liên tục thua lỗ, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng. Tính đến ngày 31.12.2021, Nhà máy Đạm Ninh Bình còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 80% là nợ gốc (khoảng 9.600 tỷ đồng), 20% là nợ lãi (khoảng 2.400 tỷ đồng). Năm 2021 và nửa đầu năm 2022, Đạm Ninh Bình đã hoạt động có lãi trở lại, nhưng do lỗ lớn từ những năm trước nên vẫn chìm trong nợ.

Đạt doanh thu kỷ lục và có lãi

Năm 2022, theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nhờ điều kiện thuận lợi từ thị trường bên ngoài, Tập đoàn “ăn nên làm ra” và đã đạt doanh thu, lợi nhuận ở mức cao nhất kể từ khi thành lập đến nay, với mức doanh thu đạt 62.023 tỷ đồng, lợi nhuận 6.200 tỷ đồng, xuất khẩu trên 500 triệu USD (tăng 17% so với 2021). 3 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón của Vinachem là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Binh và DAP số 2 - Lào Cai đã được nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2022, cả 3 nhà máy đều đạt doanh thu kỷ lục và có lãi, riêng Đạm Ninh Bình lãi 940 tỷ đồng (lợi nhuận của Đạm Hà Bắc đạt 1.779 tỷ đồng, DAP số 2 - Lào Cai đạt lợi nhuận 3,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tháng 7.2023, các dự án của Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (DAP 1) sản xuất kinh doanh ổn định, hàng năm có lãi, đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả từ tháng 10.2021.

Cũng trong năm 2022, Vinachem đã tập trung toàn bộ nguồn lực ưu tiên trả nợ khoản vay của Dự án Đạm Ninh Bình, trong đó đã trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 1.680 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Tọa đàm Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: nhìn lại và hướng tới”, Phó Tổng giám đốc Vinachem Nguyễn Hữu Tú cho biết: Vinachem đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng hành, tháo gỡ khó khăn. Ngày 19.8 vừa qua, Tập đoàn đã trả hết toàn bộ nợ gốc, lãi, phí khoản vay với số tiền 340 triệu USD (trả gốc 250 triệu USD, trả lãi khoảng 85 triệu USD, phí dịch vụ cho vay lại khoảng 3.352 nghìn USD, phí cam kết và quản lý khoảng 1.745 nghìn USD) Bộ Tài chính - nguồn Eximbank Trung Quốc. Qua đó, góp phần giảm nợ công, bảo đảm nghĩa vụ trả nợ đúng hạn, đúng cam kết theo Hiệp định tín dụng giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Nhã Nam
#