Những dấu mốc quan trọng
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ nhu cầu của cuộc kháng chiến, nền công nghiệp hóa chất nước ta đã được hình thành với mục tiêu quan trọng: phục vụ quốc phòng, nông nghiệp và dân sinh. Trong thời kỳ này, ngành hoá chất nước nhà đã sản xuất được thuốc nổ, ngòi nổ, than cốc dùng trong công nghiệp.
Bên cạnh đó, để phục vụ nông nghiệp, các xưởng phốt phát nghiền đã được xây dựng ở nhiều nơi. Ngoài ra, còn sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như xà phòng, diêm, bát đĩa, đồ da thuộc. Để phục vụ yêu cầu in ấn, ngành cũng đã sản xuất được giấy, mực in và tiến hành in tài liệu .
Tiếp đó, trải qua cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Mặc dù phần lớn các cơ sở công nghiệp ở miền Bắc nước ta đều bị đánh phá, toàn bộ nền kinh tế phải chuyển hướng cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, nhưng các thành quả thu được cũng rất đáng kể, công nghiệp hoá chất và vật liệu xây dựng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Riêng công nghiệp hoá chất tăng gấp 4,62 lần, hơn cả điện lực và cơ khí. Trong thời kỳ này công nghiệp hoá chất chiếm 9,5% giá trị tổng sản lượng toàn ngành công nghiệp.
Đặc biệt, trong kỳ kế hoạch 1961 - 1965, hàng loạt nhà máy lớn của ngành công nghiệp hóa chất như Supe phốt phát Lâm Thao, hoá chất Việt Trì, ắc quy Hải Phòng, Pin Văn Điển, Phân lân nung chảy Văn Điển... đã được xây dựng và nhanh chóng đi vào sản xuất. Nhờ có 2 nhà máy phân bón, kể từ năm 1961, lần đầu tiên nước ta đã sản xuất được phân lân chế biến. Sản lượng phân hoá học trong năm 1964, năm cao nhất của thời kỳ kế hoạch, là 205,26 nghìn tấn, trong đó supe phốt phát là 135,88 nghìn tấn. Sản lượng apatit nguyên khai cũng tăng nhanh chóng lên đến mức cao nhất vào năm 1964, đạt 864 ngàn tấn, trong đó 7.400 tấn được nghiền làm phân bón. Trong thời kỳ này, công nghiệp hoá chất cũng bắt đầu sản xuất nhiều thuốc trừ sâu.
Bên cạnh đó, ngành hóa chất cơ bản cũng bắt đầu hình thành các sản phẩm như axit sunfuric, axit clohyđric, xút lỏng, clo lỏng; ngành năng lượng điện hóa đã bắt đầu cung cấp pin và ắc quy cho quốc phòng, đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế và tiêu dùng; ngành công nghiệp cao su cũng bắt đầu sản xuất được lốp ôtô với sản lượng ban đầu là 22,5 nghìn bộ (năm 1964) và tăng lên 29 nghìn bộ (năm 1965) chưa kể một số lượng lớn lốp đắp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu và sản xuất.
Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, mặc dù chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhưng công nghiệp hóa chất và vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục phát triển, chiếm vị trí quan trọng trong công nghiệp. Cơ cấu ngành cũng có nhiều thay đổi, lĩnh vực sản xuất tăng nhanh. Chúng ta đã có công nghiệp hoá chất vô cơ cơ bản và năng lượng hoá học. Đã hình thành 3 khu công nghiệp hoá chất tập trung ở các khu vực: Hà Nội, Vĩnh Phú (Việt Trì - Lâm Thao) và Hải Phòng.
Thành lập Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Ngày 19.8.1969, đánh dấu một bước chuyển biến lớn của ngành hoá chất nước nhà khi Nhà nước đã quyết định thành lập Tổng cục Hóa chất trực thuộc Chính phủ. Đây cũng là thời kỳ mà các cơ sở Công nghiệp hoá chất của miền Bắc phải vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do hai cuộc chiến tranh phá hoại gây ra, nhưng nhìn chung công nghiệp hoá chất vẫn bảo đảm được tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Giá trị tổng sản lượng năm 1975 tăng gấp 1,65 lần so với năm 1965. Sản phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ này là phân lân. Các sản phẩm trọng yếu khác của ngành đều phục hồi nhanh và vượt xa mức trước chiến tranh.
Năm 1995, Tổng công ty Hóa chất được thành lập theo mô hình Tổng công ty 91. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Tổng công ty đã chủ động sáng tạo đưa Tổng công ty vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Trong 5 năm (1995 - 2000), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,6% và là đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trong ngành công nghiệp. Năm 2000 giá trị tổng sản lượng bằng 2,14 lần, doanh thu bằng 2 lần so với năm 1996, nộp lợi nhuận và ngân sách không ngừng tăng lên.
Đặc biệt, ngày 23.12.2009, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 2180/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) và ngày 20.1.2010, Tập đoàn đã làm lễ ra mắt tại Hà Nội.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam. Theo đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng công ty, các ban chức năng và các đơn vị hạch toán phụ thuộc gồm: Công ty Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất; Trung tâm Thông tin KHKT Hóa chất; Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Sự ra đời của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là một dấu ấn quan trọng, một bước ngoặt lịch sử, tạo ra thế và lực mới để phát triển ngành hóa chất Việt Nam trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Tập đoàn tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc phát triển các ngành trong lĩnh vực hóa chất, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khai thác triệt để thế mạnh các tài nguyên, chủ động được nguyên liệu đầu vào, hạn chế nhập khẩu nguyên liệu.
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam luôn đoàn kết, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách, nắm bắt thời cơ, vận hội, không ngừng nỗ lực sản xuất kinh doanh, góp phần thiết thực bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Những công lao, thành quả trong lao động, chiến đấu và sự nỗ lực không mệt mỏi của tập thể các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn đã được Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu thi đua, nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc lập Hạng Nhất cùng nhiều danh hiệu Anh hùng lao động... cho các tập thể và cá nhân. Đây là nguồn cổ vũ, động viên, là tiền đề để toàn thể cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn hôm nay quyết tâm phấn đấu đưa Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, giữ vững được vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, giữ vai trò nòng cốt trong lĩnh vực hóa chất, phấn đấu trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty trong khu vực và thế giới.