Cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội: Khoa học; Công nghệ và Môi trường; Kinh tế; Pháp luật; Viện nghiên cứu Lập pháp Quốc hội; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power); các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng và lãnh đạo các đơn vị của liên quan của Bộ Công Thương. Về phía PV GAS có ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc tham dự cuộc họp.
Cuộc họp đã nghe các báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Petrovietnam, EVN, PV GAS và PV Power về tình hình triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo quy hoạch điện VIII; các vướng mắc về cơ chế chính sách và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các dự án này.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đây là mục tiêu hết sức thách thức, xét từ bối cảnh tiến độ thực tế của các dự án trong thời gian qua và những vướng mắc về cơ chế chính sách hiện tại.
Đại diện PV GAS, Tổng Giám đốc Phạm Văn Phong đã trình bày thực trạng triển khai các dự án điện khí LNG tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do chưa có các cơ chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu LNG. Hiện tại, rất nhiều dự án điện khí LNG được đăng ký nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất kho LNG 1 MMTPA (1 triệu tấn) Thị Vải của PV GAS đã hoàn thành và sẵn sàng cấp khí phục vụ sản xuất điện.
Thế nhưng, ngay cả khi có thể đi vào vận hành thương mại từ tháng 8.2023, kho LNG 1 MMTPA Thị Vải vẫn chưa thể cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện trong khu vực do vướng mắc về cơ chế, chính sách ở tất cả các khâu: nhập khẩu, tồn trữ, tái hóa, phân phối, cung cấp LNG và tiêu thụ điện sản xuất từ LNG.
Thứ nhất, việc kinh doanh LNG quốc tế có những đặc thù nhất định trong khi một số quy định của Luật Đấu thầu lại chưa hoàn toàn phù hợp. Việc áp dụng Luật Đấu thầu có thể hạn chế sự quan tâm tham gia của các nhà cung cấp, cũng như khó có thể mua được LNG với giá và khối lượng phù hợp.
Thứ hai, công tác tồn trữ, tái hóa và phân phối khí LNG cho các hộ tiêu thụ điện hiện cũng đang có những vướng mắc liên quan đến cước phí qua kho do chưa được quy định trong Luật Giá. Điều này đã có ảnh hưởng lớn đến việc ký kết các thỏa thuận thương mại giữa các bên liên quan.
Cuối cùng, việc thiếu vắng các cơ chế cần thiết cho công tác tiêu thụ LNG tái hóa và điện sản xuất từ LNG liên quan đến việc chuyển ngang chi phí mua LNG nhập khẩu, bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện, quy định về cước phí tồn trữ cũng gây khó khăn cho công tác đàm phán các hợp đồng mua bán LNG.
Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc PV GAS cũng đã kiến nghị một số giải pháp cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án LNG cũng như phát triển ngành công nghiệp khí trên cả nước. Cụ thể, PV GAS đề xuất các cấp thẩm quyền đồng ý để doanh nghiệp áp dụng quy trình mua LNG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm minh bạch, công bằng, cạnh tranh; thực hiện chuyển ngang giá khí và cam kết bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa vào hợp đồng mua bán điện; cho phép EVN thu hồi được đầy đủ các chi phí liên quan thông qua giá bán điện.
Các đại biểu tham dự họp đã thảo luận, đóng góp ý kiến tích cực và xây dựng các vấn đề được Petrovietnam, PV GAS, PV Power và EVN nêu ra. Các ý kiến đều nhất trí rất cao với đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời khẳng định sự cần thiết và cấp bách phải xây dựng một cơ chế đặc thù để có thể phát triển điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, đáp ứng các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII và xa hơn nữa là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách xanh, sạch, thân thiện môi trường.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Bộ trưởng cũng đồng ý với đề xuất của các doanh nghiệp để triển khai thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi và thống nhất cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN, Petrovietnam, PV GAS và PV Power khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật, căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các dự án cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương trước ngày 20.12.2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát báo cáo và đề xuất của các đơn vị, tổng hợp để báo cáo Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về các cơ chế chính sách đặc thù trong triển khai thực hiện các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.