Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam TS. Mai Duy Thiện cho biết, chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới trước sức ép nhu cầu năng lượng tăng trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Không chỉ giúp bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng của mỗi quốc gia, năng lượng tái tạo còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu nền công nghiệp và nền kinh tế đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 12% hàng năm nên để tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng, chúng ta cần làm rõ thực trạng tiến trình phát triển năng lượng, đánh giá các cơ hội, thách thức cần đối mặt, thông qua đó đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.
Diễn đàn “Thúc đẩy tiến trình phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững tại Việt Nam” là một hoạt động cần thiết và rất có ý nghĩa với các tham vấn từ nhiều chuyên gia, các nhà khoa học và kinh nghiệm của các doanh nghiệp đang tham gia vào quá trình “xanh hóa”. Diễn đàn cũng góp phần cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về phát triển năng lượng trong giai đoạn sắp tới - TS. Mai Duy Thiện nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng, Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện các quy hoạch trên để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng.
Ông Bùi Quốc Hùng cũng đưa ra một số giải pháp, trong đó, cần có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng Than, khí, LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Cần nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của ngành năng lượng; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ năng lượng. Đồng thời, cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh trình độ khoa học công nghệ để vận hành, làm chủ các công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, ít phát thải…
Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền; tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong nước có hiệu quả.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Thập cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng xanh, sạch tại Việt Nam cần phải tháo gỡ nút thắt lớn nhất có tính bao trùm. Chúng ta cần khẳng định hoạt động của chuỗi LNG và điện khí LNG sẽ do thị trường điều chỉnh, tức là tuân theo quy luật của thị trường, tương tự như các nước đã làm. Các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện và EVN là một trong số đó. Các chủ thể nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí; các chủ thể nhà máy điện có thể đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối, khi đó giá bán điện sẽ do bên mua và bán thỏa thuận.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Thập cho rằng cần điều chỉnh Điều lệ và Quy chế tài chính của EVN, Petrovietnam để họ có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện; bảo lãnh/bảo đảm cơ chế chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ, còn tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Th.s Đỗ Văn Long cho rằng, cần phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lương sạch, tiết kiệm và hiệu quả; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng.
Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả; phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.