Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco; mã chứng khoán SAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1.2023.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 45 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng tương đương mức tăng 2455% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lợi nhuận sản xuất kinh doanh quý 1.2023 đạt 34 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng tương đương tăng 2669% so với cùng kỳ nhờ tình hình kinh doanh của công ty đã được khôi phục bình thường trở lại, trong khi cùng kỳ năm trước công ty bị ảnh hưởng do các đường bay quốc tế đã được nối chuyến nhưng tốc độ hồi phục diễn ra chậm, tần suất khai thác chưa cao.
Lợi nhuận hoạt động tài chính quý 1.2023 tăng 10 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước do trong kỳ công ty có khoản lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh và do biến động chênh lệch tỷ giá do đánh giá cuối kỳ tăng.
Lợi nhuận khác quý 1.2023 đạt 1 tỷ đồng, tương đương tăng 118% do các khoản thu nhập khác từ hỗ trợ bán hàng, khuyến mãi tăng so với cùng kỳ năm trước, nâng lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng 1969% so với cùng kỳ lên mức 36 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, cuối quý 1.2023, Sasco có tổng tài sản đạt 1.992 tỷ đồng, giảm 2,5 % so với 3 tháng trước đó. Trong cơ cấu tài sản, tài sản ngắn hạn đạt 1.135 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 56,9%.
Trong quý 1, Sasco có các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn đều tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn và dài hạn đạt gần 500 tỷ đồng, chiếm 22,5% khối tài sản của Sasco. Đó là chưa kể đến các khoản phải thu khác.
Chất lượng các khoản phải thu của Sasco là điều cần chú ý khi doanh nghiệp đã dự phòng phải thu khó đòi tổng cộng 301 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản dự phòng phải thu dài hạn khó đòi lên tới 233 tỷ đồng, chiếm tới 95% giá trị phải thu dài hạn. Trong trường hợp các khoản phải thu không thu được đúng thời hạn sẽ tạo những áp lực lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba tháng đầu năm, hàng tồn kho của Sasco giảm 12,4% so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu giá trị tồn tập trung vào mảng hàng hóa.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Sasco ở mức 563 tỷ đồng, tăng 8,6% so với hồi đầu năm, chủ yếu là các khoản phải trả người bán ngắn hạn. Ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu đạt mức 1.428 tỷ đồng, giàm 6,4% so với hồi đầu năm.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Sasco âm 16 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền kinh doanh dương 83 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư dương 33 tỷ đồng, dòng tiền tài chính âm 132 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022, doanh thu thuần của Sasco đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 4,4 lần so với năm liền trước. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng mạnh, đạt 666 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần.
Với chỉ tiêu lợi nhuận, lãi sau thuế năm vừa qua của Sasco là 210 tỷ đồng, cao gấp 70 lần năm 2021.
Việc lợi nhuận ròng của Sasco năm 2022 tăng hàng chục lần so với năm liền trước chủ yếu đến từ nền so sánh thấp trong năm 2021 khi doanh nghiệp này cùng các công ty dịch vụ hàng không khác chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.
So với hai năm liền trước, kết quả kinh doanh năm 2022 là mức cao nhất mà công ty dịch vụ hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn ghi nhận được kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nếu so với trước dịch, đây vẫn là mức lợi nhuận tương đối thấp so với quy mô hoạt động kinh doanh của Sasco.
Tại thị trường trong nước, Sasco là một trong những doanh nghiệp dịch vụ hàng không lớn nhất. Trong đó, công ty này chuyên quản lý và vận hành hệ thống cửa hàng miễn thuế, bán hàng lưu niệm, nhà hàng, phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn vận hành hệ thống phòng chờ thương gia, cửa hàng miễn thuế tại sân bay Cam Ranh, cung cấp suất ăn hàng không và đầu tư một số dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.