Theo PVN, hiện tổng công suất các nhà máy điện của Tập đoàn và các đơn vị thành thành viên đạt 6.600MW, chiếm khoảng 8,5% công suất toàn hệ thống, hàng năm phát hàng chục tỷ kWh lên lưới điện và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhìn lại quá trình phát triển đầy gian khổ nhưng cũng đầy tự hào có thể thấy một số dự án điện được triển khai đã thể hiện được khát vọng vượt khó đi lên của những người lao động dầu khí.
Cụ thể như dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - một trong các dự án trọng điểm theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030, PVN được giao làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 43.043 tỷ đồng. Dự án có công suất 1.200MW với quy mô tổng diện tích là 115,2ha; sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay với Lò than phun đốt trực tiếp, áp dụng các công nghệ giảm phát thải, lọc bụi, xử lý nước thải bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp, cùng nhiệt huyết của người dầu khí và sự nỗ lực phấn đấu, ngày đêm lao động quên mình của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Ban Quản lý dự án, nhà thầu; dự án đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ. Chi phí dự án dự kiến gần 42.000 tỷ đồng, tiết kiệm dự kiến khoảng 500 tỷ đồng. Mốc tiến độ hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm và kết thúc chạy tin cậy đối với Tổ máy 1 tháng 10.2021...
Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá rất cao trong mỗi đợt kiểm tra; đặc biệt là kết quả đo đạc thực tế các thông số bảo đảm công suất phát điện, hiệu suất đều đã đạt và tốt hơn so với yêu cầu của hợp đồng. Đây là những kết quả thuyết phục nhất để khẳng định chất lượng của công trình.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là dự án trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 được Chính phủ giao cho PVN làm Chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200MW, Nhà máy được thiết kế sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, hiện đại, thân thiện môi trường. Tuy dự án bị chậm do vướng những khó khăn chồng chất với nhiều nguyên nhân khách quan nhưng quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, PVN đã quyết tâm cao độ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, đặc thù để hoàn thành dự án.
Với phương châm “một đội ngũ một mục tiêu” cùng những giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp, được tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ; với nhiệt huyết của Người dầu khí và sự nỗ lực phấn đấu, ngày đêm lao động quên mình của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân trong Tập đoàn; các nhà thầu, dự án đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại pháp lý, tâm lý, dịch Covid-19… hoàn thành khối lượng công việc lớn. Đầu năm 2023, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã vận hành chạy thử và nghiệm thu; cuối tháng 4.2023 nhà máy được khánh thành, được huy động phát điện thương mại.
Có thể nói, Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 hoàn thành, đi vào hoạt động đã đáp ứng mục tiêu về bảo đảm an ninh năng lượng; tiếp tục khẳng định vai trò của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam. Đồng thời, giúp cho Tập đoàn tích luỹ thêm bài học kinh nghiệm, củng cố năng lực, thực hiện thành công các dự án khó khăn, phức tạp hơn, góp phần xây dựng và phát triển ngày càng lớn mạnh.
Theo PVN, tiếp nối thành công và các kinh nghiệm xử lý trong quá trình đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Tập đoàn đã đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khác, như Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1; sớm vận hành, phát huy tối đa tiềm năng của ngành dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.