Chiều 13.10, dù khá bận rộn với công việc và lịch họp quan trọng nhưng doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) vẫn dành một khoảng thời gian để chia sẻ với PV Báo Đại biểu Nhân dân về chặng đường đã qua cũng như những trăn trở, mong muốn sớm được phát triển mô hình cửa hàng miễn thuế, trung tâm thương mại giảm giá…, qua đó đa dạng hóa dịch vụ mua sắm bán lẻ theo hướng đột phá, có tính cạnh tranh khu vực, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững.
Sứ mệnh đặc biệt
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là người góp phần khai thông đường bay thẳng từ TP. Hồ Chí Minh - Manila (Philippines) của Hàng không Việt Nam vào năm 1985 để mở Việt Nam ra với Thế giới.
Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại biểu Nhân dân, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn nhiều lần nhắc đến bài học đầu tiên từ Phó Thủ tướng Trần Quỳnh về sự kiên trì và nhẫn nại.
“Sau khi đã mở được đường bay cho Việt Nam, bác Trần Quỳnh (Phó Thủ tướng Chính phủ) đã gặp và nắm tay tôi dặn dò: "Làm ăn ở Việt Nam con cần nhớ hai điều: Thứ nhất là phải kiên nhẫn, kiên trì; Thứ hai phải làm đúng quy định của pháp luật, khi đó Đảng, Chính phủ và Nhân dân sẽ bảo vệ con". Tôi hiểu những điều bác Trần Quỳnh nói”, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Về những ngày đầu khởi nghiệp, trong 3 năm (1985 đến hết 1988) - thời điểm Việt Nam có Hiệp định Hàng không với Philippines, Johnathan Hạnh Nguyễn thua lỗ 5 triệu USD/20 triệu USD vốn liếng của mình. Số tiền thua lỗ trong 3 năm đầu khá lớn nhưng ông coi đó là “kinh phí” bỏ ra để xây dựng nền móng kinh doanh ở Việt Nam. Ông cũng mở nhà máy may mặc, sản xuất song mây, gia công để xuất khẩu, xây khách sạn 3 sao đầu tiên đặt tại Nha Trang.
“Có một số người về nước kinh doanh với tâm lý "đánh nhanh rút gọn", họ kiếm lời hàng triệu USD rồi nhanh chóng rời đi. Nhưng tôi chọn đi con đường dài, dù khó khăn, có lúc thua thiệt nhưng tất cả vì mục tiêu xây dựng nền tảng vững bền. Vừa phát triển sự nghiệp, vừa đóng góp cho xã hội trên chính mảnh đất quê hương mình. 38 năm trước là thế và bây giờ cũng vẫn luôn là thế” doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Johnathan Hạnh Nguyễn luôn theo phương châm bình đẳng với đối tác, có kế hoạch lâu dài, phát triển kinh doanh phải theo hướng các ngành hàng hỗ trợ nhau và đặc biệt phải chăm sóc, quan tâm đến những người có tâm huyết với công ty. Ông thường nhắc tất cả nhân viên trong bất cứ điều kiện kinh doanh nào, trước hết phải tôn trọng luật pháp, phải minh bạch và làm đầy đủ nghĩa vụ đối với các cơ quan Nhà nước.
“Vì trẻ em, nói là làm”
Câu chuyện giữa PV Báo Đại biểu Nhân dân và doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn bỗng trầm lại khi chủ đề trẻ em được nhắc đến. Ông kể: “Khi tôi trở về Việt nam cùng gia đình trong chuyến thăm năm 1985, hai con của tôi bị sốt xuất huyết nhưng dù có tiền cũng không mua được thuốc điều trị. Chúng tôi phải lấy khăn và chanh lau cả đêm lẫn ngày để hy vọng tụi nhỏ hạ sốt và phó mặc cho số phận, cuối cùng hai con tôi đều qua khỏi.
Nhưng vào thời điểm đó, vẫn có hàng nghìn trẻ em ở Việt Nam tử vong do thiếu thuốc điều trị. Thành ra trong tâm tư tôi, trẻ em không có đề kháng, còn thiếu thốn. Những đứa trẻ xung quanh tôi sống một cuộc sống sung túc, đầy đủ, càng khiến tôi đau lòng hơn mỗi khi chứng kiến cảnh sống thiếu thốn của nhiều em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn trải lòng.
Từ những gì “mắt thấy, tai nghe” về trẻ em và những tháng năm ngược xuôi làm từ thiện, từ đất liền đến hải đảo, từ miền Nam ra Bắc, đồng bằng đến núi cao, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn luôn tâm đắc với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu.
Tham gia “Chuyến đi hạnh phúc” cùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước, Johnathan Hạnh Nguyễn không ngại cam kết sử dụng tiền dành hỗ trợ các cháu đúng từng đồng, không thiếu một xu và “nói là làm”.
Với vai trò là Ủy viên Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết: “Hơn 38 năm công tác, đồng hành với các chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước, tôi luôn xúc động với hoàn cảnh của mỗi em nhỏ. Bản thân luôn mong muốn những chương trình như Chuyến đi hạnh phúc và nhiều chương trình thiện nguyện khác sẽ tiếp cận, lan rộng hơn để giúp được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống tươi đẹp hơn”.
38 năm trước, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn tự tin dồn sức lực tham gia vào quá trình mở cửa Việt Nam, thì giai đoạn này, ông lại tự tin dốc hết vốn liếng và tâm trí của mình để phát triển một chặng đường mới với đa dạng hóa dịch vụ mua sắm bán lẻ theo hướng đột phá, có tính cạnh tranh khu vực, thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, cần có những quyết sách, cơ chế đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân “có đất” phát triển. Như doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn là một điển hình.