Tại Chương trình, diễn giả Hoàng Thành (Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam) đã giới thiệu tổng quan về Quy định của Liên minh châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR); các đạo luật, quy định mới của EU như cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM). Từ đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp có kế hoạch, biện pháp và lộ trình điều chỉnh các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới.
Các diễn giả cũng chỉ ra những tác động của EUDR tới xuất khẩu, cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; tình hình triển khai EUDR tại các quốc gia khác và kinh nghiệm về triển khai EUDR, bao gồm những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp phải để tuân thủ EUDR; hướng dẫn áp dụng EUDR đối với các doanh nghiệp Việt Nam theo ngành hàng (tính minh bạch trong thu thập thông tin địa lý, truy xuất nguồn gốc vùng trồng trong chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu, sản xuất bền vững, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và hợp tác với các đối tác mua hàng…); hướng dẫn huy động và tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu EUDR.
Tại Chương trình, đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) Đinh Sỹ Minh Lăng chỉ ra những cơ hội, thách thức của EUDR đối với các doanh nghiệp Việt, nếu sản phẩm tuân thủ yêu cầu về EUDR và có chứng nhận (FSC...) làm tăng tính cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế. Việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững theo một chiến lược bài bản về vùng trồng và nguồn nguyên liệu hợp pháp (nguồn gốc và vị trí đất đai, truy xuất nguồn gốc, chia sẻ thông tin…) sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nguồn cung và là sự lựa chọn ưu tiên đối với bạn hàng châu Âu.
Các doanh nghiệp Việt đáp ứng EUDR sẽ xây dựng được hình ảnh doanh nghiệp xanh góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính xây dựng môi trường sống xanh, giảm thiểu việc biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, các diễn giả cho ra rằng, EUDR cũng mang đến những thách thức cho doanh nghiệp Việt như chi phí xuất khẩu sang EU tăng, có khả năng gây rủi ro cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thủ tục truy xuất nguồn gốc và chứng nhận của EUDR vì họ sẽ yêu cầu các công nghệ, quy trình và chi phí hành chính cho việc tuân thủ các quy định. Các doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh xuất khẩu khốc liệt hơn, dễ dẫn đến việc mất thị phần tại châu Âu.
Vì vậy, các diễn giả cũng chỉ ra, để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt trong việc phát triển xuất khẩu xanh vẫn cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Trong đó, cần nhanh chóng ngăn chặn sự gián đoạn xuất khẩu và bảo đảm rằng sẽ có ngày càng nhiều mặt hàng Việt đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR. Thêm vào đó, cần xác định các doanh nghiệp chủ chốt có mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào EU để hỗ trợ họ nâng cao khả năng tuân thủ các quy định của thị trường EU.
Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược, lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh. Trong ngắn hạn, cần giúp các doanh nghiệp Việt sớm tìm thị trường thay thế nếu phải đáp ứng ngay lập tức EUDR. Trong trung hạn, cần đưa nhiều nhà sản xuất và xuất khẩu hơn vào chuỗi cung ứng, giúp họ thích ứng với điều kiện thị trường mới. Và dài hạn là tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt bằng cách nâng cấp tiêu chuẩn môi trường cho các sản phẩm xuất khẩu...