Mở rộng thị trường tiềm năng
Được biết, KVF do Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD; nhà máy này có tổng công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12.2017. Cuối năm 2023, PVCFC cho biết sẽ chi tối đa 25 triệu USD cho thương vụ mua lại KVF.

Kết thúc quý I.2024, PVCFC ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặc dù giá bán bình quân giảm so với mức nền cao của năm 2023 nhưng kết quả kinh doanh của PVFCF vẫn được duy trì nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón được cải thiện tích cực. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của PVCFC đã được cải thiện thêm 5,1 điểm phần trăm, đạt khoảng 26% trong quý I.2024, chủ yếu nhờ chi phí khấu hao giảm tới 84%. Kết quả, PVCFC ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tới 52%, đạt 350 tỷ đồng; qua đó, hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Vào đầu tháng 4.2024, Đạm Cà Mau và Tập đoàn Taekwang đã tiến hành ký kết thỏa thuận bàn giao KVF. Về mức giá thực hiện thương vụ, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau từng tiết lộ, giá trị thương vụ tối đa khoảng 25 triệu USD. Đây được đánh giá là mức giá "tốt" khi KVF có diện tích khoảng 8,8ha tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh và đang có sẵn hệ thống phân phối sản phẩm. Ngoài ra, khu vực nhà máy NPK của KVF được sử dụng làm kho chứa nguyên vật liệu.
Với vị trí địa lý chiến lược và kho bãi rộng, Phân bón Hàn - Việt còn giúp PVCFC thâm nhập sâu vào những thị trường NPK tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung; do nhà máy NPK hiện tại của PVCFC chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia. Tại khu vực Tây Nam Bộ, PVCFC chiếm đến 61% thị phần.
Theo lãnh đạo PVCFC, đây là một trong các bước tiến để công ty này hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng. PVCFC cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng bán hàng của KVF lên 150.000 tấn và giúp công ty có lãi vào cuối năm 2024.
Tạo động lực tăng trưởng mới
Sự kiện này không chỉ tạo động lực tăng trưởng mới, giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm trong bối cảnh Nhà máy NPK của PVCFC đang hoạt động tối đa công suất; mà còn góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm hiện nay. Hiện, PVCFC đang là doanh nghiệp duy nhất trong nước có khả năng sản xuất ure hạt đục với công suất 800.000 tấn/năm.
Ngoài ra, kể từ ngày 15.7.2023, thuế xuất khẩu phân bón NPK đã giảm về 0%, đây sẽ là động lực tăng trưởng mới cho mảng NPK của Đạm Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp này đã có nhiều bạn hàng xuất khẩu lâu năm.
Theo PVCFC, hiện nay, nguyên liệu để sản xuất NPK đa số phải nhập khẩu và giá bán NPK chủ yếu xác định trên giá nguyên liệu. Vì vậy, làm tốt khâu nguyên liệu, chủ động và ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cùng với sản phẩm chủ lực ure sẽ là lợi thế cho PVCFC. Việc sản xuất và kinh doanh NPK còn là đòn bẩy để công ty phát huy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm phân bón khác.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng mảng phân bón NPK, từ những năm qua, PVCFC đã triển khai các hoạt động marketing, thâm nhập thị trường, tạo được lợi thế cạnh tranh nhất định. Qua đó, sản lượng kinh doanh NPK đã liên tục tăng trưởng, từ 41.000 tấn trong năm 2021 lên 152.000 tấn trong năm 2023.