Không thể và có thể...
Nhìn lại về những biến chuyển trên những cung đường đèo hiểm trở khu vực Nam Trung bộ trong vòng một thập kỷ vừa qua cho thấy, người Đèo Cả đã khắc tạc vào lịch sử ngành giao thông Việt Nam những kỳ tích tuyệt đỉnh. 25 km đường hầm xuyên núi, Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân 2 đóng vai trò quan trọng khơi thông huyết mạch giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm thiểu tai nạn trên đèo, tạo ra diện mạo nhiều đổi thay tích cực về kinh tế - xã hội.
Nhưng, để đạt được những thành tựu phi thường đó, người Đèo Cả đã vượt qua muôn vàn thử thách. Công nghệ, nguồn vốn lớn, khả năng quản trị điều hành thực hiện một công trình mang tầm cỡ quốc gia đối với một doanh nghiệp địa phương… Ông Hồ Minh Hoàng nhớ lại thời điểm cùng cộng sự của mình đề xuất thực hiện dự án, số người đặt niềm tin không nhiều, hoài nghi thậm chí phản đối. Nhiều người cho rằng việc thực hiện đường hầm xuyên qua đèo Cả là “khùng”.
Thậm chí trong quá trình thực hiện, nhiều nhà đầu tư trong liên danh, trước những khó khăn phải đối diện đã lần lượt rút lui, “nhường” lại “sứ mệnh” cho Hồ Minh Hoàng và một tập thể non trẻ. Thế rồi 4,2 km hầm Đèo Cả, công trình hầm xuyên núi đầu tiên do bàn tay khối óc người Việt thực hiện đã hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Không những thế, chi phí tiết giảm từ thi công công trình này để thực hiện tiếp 2,6 km hầm Cù Mông. Sau 6 năm vận hành, Đèo Cả đã phục vụ 12,7 triệu lượt xe qua hầm an toàn.
Thật khó tin, sau khi hoàn thành hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông, họ làm tiếp cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, hầm Hải Vân 2 và dự án Trung Lương - Mỹ Thuận với sự mong đợi cháy bỏng của người dân Nam Bộ.
Băng qua những triền đồi, băng qua những bất cập cơ chế, băng qua những nghi ngờ, cung đường đẹp như một dải lụa được trải giữa núi rừng Đông Bắc. 64km cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ sau hơn 2 năm “thần tốc” đến nay vẫn là một kỷ lục làm đường cao tốc ở Việt Nam.
Người Đèo Cả với bản lĩnh và khí chất của mình đã không làm phụ lòng tin của Chính phủ, của hàng triệu người dân Nam Bộ. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng ra, tác động tiêu cực đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội, bên cạnh đó Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với xâm nhập mặn, hạn hán, nhưng với sự điều hành khoa học, linh hoạt, quyết liệt của Đèo Cả, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành. Một kỳ tích nữa!
Giải “bài toán” Đồng Đăng - Trà Lĩnh bằng “Khát vọng - Kiên định - Tri ân”
Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (giai đoạn 1). Tất cả đang rốt ráo cho lễ khởi công vào 22.12.2023 tới đây. Nhưng để đạt được cột mốc mang tính… khởi đầu này là một câu chuyện dài vất vả và đầy nhân duyên giữa Đèo Cả và Cao Bằng.
Mối lương duyên của Đèo Cả với Cao Bằng khởi đầu từ mùa thu năm 2018, khi đó lãnh đạo tỉnh này đã xuống Hà Nội mời Đèo Cả một lần lên Cao Bằng khảo sát lại một dự án cao tốc mà nhiều năm nằm im trên giấy vì quá nhiều khó khăn. Nghiên cứu tiền khả thi chỉ ra lưu lượng xe thấp dẫn đến việc hoàn vốn khó khăn, suất đầu tư cao dẫn đến việc huy động vốn không đơn giản, địa hình phức tạp dẫn đến việc thi công gặp nhiều rủi ro. Ông Lại Xuân Môn - Thời điểm 2018 là Bí thư tỉnh Cao Bằng đã thừa nhận: “Nếu Đèo Cả lên Cao Bằng làm kinh tế, họ không lên. Anh Hoàng (Đèo Cả) lên vì một lý do khác”.
Lý do đó là gì? Chiều 27.9.2018, sau hành trình 300km và mất sau 6 tiếng đồng hồ di chuyển từ Thủ đô lên Cao Bằng, trong buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, ông Hồ Minh Hoàng đã cho rằng: “Nhìn từ lợi ích kinh tế - xã hội, cho người dân, Cao Bằng phải có con đường khác thuận lợi hơn”. Đó còn là trách nhiệm của doanh nghiệp Việt với vùng đất cách mạng, nơi có 95% đồng bào người dân tộc thiểu số.
“Việt Nam ơi khát vọng đang ở đâu…” là lời của bài hát “Khát vọng Việt Nam” mà ông Hồ Minh Hoàng sáng tác để truyền ngọn lửa chinh phục một dự án khó. Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ: “Cao Bằng luôn đem lại trong tôi cảm xúc đặc biệt, phải làm điều gì để tri ân vùng đất cách mạng, phên dậu Tổ quốc”. Trước anh linh Người tại Pác Bó, Chủ tịch Đèo Cả đã hứa với Bác quyết tâm thực hiện bằng được cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Sau 5 năm kiên định theo đuổi, nghiên cứurút ngắn hướng tuyến để giảm tổng mức đầu tư, sáng tạo trong việc huy động vốn qua mô hình PPP, cùng với những giải pháp tối ưu khác, Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang ở giai đoạn lưa chọn nhà đầu tư. Có lẽ, với những khó khăn như vậy, cũng chỉ Đèo Cả mới “dám” thực hiện.
Đi giữa những lằn ranh
“Giải cứu” là từ ngữ mà nhiều nhà báo đặt cho Đèo Cả sau thành công tại Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận. Không chỉ giải cứu dự án mà giải cứu vướng mắc cho ngành, giải cứu niềm tin bị xói mòn từ phía người dân không chỉ Lạng Sơn và Tiền Giang.
Tuy nhiên, như 2 mặt của tấm huân chương, phía sau những tán dương là những ý kiến thiếu thiện chí “nhắm” vào Đèo Cả “ôm khối nợ khủng”, “trùm BOT”, “chặn đường thu tiền”… Thậm chí ở thời điểm Đèo Cả thực hiện dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, báo chí từng đặt câu hỏi “Đèo Cả có liên quan đến đường dây đánh bạc của Đinh Văn Dương (nhà đầu tư cũ) không?
Nói về lúc Đèo Cả tiếp nhận thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, trong hiện trạng như thế nào?, ông Hoàng tiết lộ:“Nhà đầu tư thời điểm đó vướng vào vụ án đánh bạc, rồi dính vào lao lý. Dự án đình trệ nhiều năm, nhà thầu vỡ nợ…”.
Khi tiếp nhận Trung Lương - Mỹ Thuận, trong tay ông họ có gì? Tôi đặt câu hỏi. “Đó là một loạt nhà đầu tư không đồng, chủ đầu tư cũ đã bị bắt, Dự án triển khai 9 năm chỉ mới thực hiện được 10% tổng khối lượng”, ông nói.
Tháng 4.2019, tôi dự Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại tỉnh Tiền Giang. Hội nghị được Đèo Cả chủ động tổ chức để tìm ra các phương án tháo gỡ vướng mắc mà Dự án đang gặp phải ngay sau khi họ được mời giữ vai trò quản trị điều hành. Sứ mệnh “giải cứu” một lần nữa được đặt trên vai những “Người Đèo Cả”.
Tại Hội nghị hôm đó, phát biểu của rất nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan Nhà nước, ngân hàng đặt ra nhiều khó khăn phía trước và tiếp đó nghe ý kiến của chính ông Hồ Minh Hoàng. Ngay lúc đó, tôi cảm nhận được không chỉ quyết tâm lớn mà còn cả cách thức “giải cứu” táo bạo của Đèo Cả. Trong đó, nút thắt quan trọng nhất để hoàn thành vẫn là huy động vốn tín dụng.
Gánh nặng tài chính còn đến từ việc chưa được cơ quan chức năng tháo gỡ tại dự án Đèo Cả. Đó là nguồn vốn nhà nước 1.180 tỷ đồng. Đó là giải quyết vướng mắc về trạm thu phí, theo đó Chính phủ kiến nghị bố trí 2.280 tỷ đồng thanh toán cho doanh nghiệp dự án để bù đắp nguồn thu không được thu phí theo cam kết…
Người “đi” giữa lằn ranh khen/chê, được/mất, quyết liệt/bao dung rất bình thản: “Việc hoài nghi sẽ là điểm tựa để chúng ta trưởng thành, kết quả sẽ là câu trả lời xác đáng nhất”.
Ông Hồ Minh Hoàng đã xây dựng nên một Đèo Cả giàu khát vọng, mang phẩm chất biến sự hoài nghi thành động lực. Ông Hoàng chia sẻ với chúng tôi, ông rất tâm đắc với các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” và cho rằng “tham nhũng vặt” và bệnh “sợ trách nhiệm” trong các mắt xích cơ quan nhà nước đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
“Tự bản thân, tôi cho rằng “Dám nghĩ - Dám làm - Dám chịu trách nhiệm” là một chuỗi từ suy nghĩ đến hành động thống nhất; Lấy lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân làm lợi ích tối thượng, hiệu quả công việc làm thước đo, không nản chí trước những thất bại và những rào cản, coi đó là một khâu trong quy trình đi đến thành công, vững vàng niềm tin vào lẽ phải, việc làm tốt sẽ luôn luôn được bảo vệ”, ông nói.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ về những việc họ chủ động cho chiến lược vươn tầm quốc tế. Mới nhất, Đèo Cả cùng Trường đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả để tập hợp các chuyên gia đầu ngành, nhập khẩu chương trình đào tạo mới ứng dụng công nghệ mới. Đặt ra kỳ vọng Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ là nơi đứng đầu về đào tạo gắn với thực tế, tiên phong nghiên cứu công nghệ thi công, tư vấn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và trở thành đầu mối hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó là nhiều hợp tác với các trường đào tạo nghề. Trước đó, một lớp đào tạo thạc sĩ điều hành tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho cán bộ cấp cao vừa tốt nghiệp… Những chuyển động của Đèo Cả cho thấy hệ thống này coi trọng nguồn lực để phát triển, nguồn lực con người là quyết định nhất. Để doanh nghiệp thành công, đòi hỏi ý chí bản lĩnh, trí tuệ, tự lực và tinh thần gắn kết. Người Đèo Cả luôn tiến về phía trước.
Đó chính là bản lĩnh vượt khó! Đó chính là sức mạnh vượt khó!