Dư địa phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô còn rất lớn
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tăng ứng dụng công nghệ để chế tạo các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe. Họ cũng phải tăng hợp tác với các hãng ôtô lớn, lựa chọn loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.
Bộ Công Thương cho biết, ước tính cả nước hiện có khoảng trên 210 doanh nghiệp tham gia sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở dịch vụ sửa chữa ô tô, trong đó có kết hợp sản xuất chế tạo một số loại linh kiện lẻ bằng kim loại phục vụ sửa chữa thay thế và các cơ sở thương mại kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô tô. Dù vậy, đây vẫn là mức phát triển chậm so với tiềm năng cũng như yêu cầu.
Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất, để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà cung cấp khi đầu tư khuôn và đồ gá; sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về công nghiệp hỗ trợ ưu tiên theo hướng giải quyết vấn đề cụ thể của từng ngành hàng; sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP (NĐ26), sửa đổi mở rộng cho các đối tượng là các nhà sản xuất linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi khi trực tiếp hoặc gián tiếp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho mục đích sản xuất, gia công linh kiện, phụ tùng ô tô.
Xác nhận khó khăn hiện nay là về vấn đề nguyên liệu, ông Dương Minh Hải thông tin, hầu hết nguyên liệu trong ngành nhôm là nhập khẩu. Doanh nghiệp muốn nghiên cứu, thử nghiệm thay đổi thành phần kim loại để đạt chất lượng mong muốn là rất khó khăn, do đó mong cơ quan quản lý có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề này.
Cùng với đó, ông Hải đề xuất có thêm các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối khách hàng, đặc biệt là khách hàng quốc tế để mở rộng đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng linh kiện ngành ô tô là rất lớn, khi ô tô cần đến gần 30.000 linh kiện khác nhau. Ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, điều khó là các doanh nghiệp phải lựa chọn được linh kiện phù hợp với năng lực cạnh tranh của mình. Trong khi đó, sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt, không chỉ với nhà cung ứng trong nước mà cả với các nhà cung ứng quốc tế, hàm ý các các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Xanh hóa ngành ô tô là xu hướng tất yếu
Theo một số chuyên gia, phát triển giao thông xanh là yếu tố tất yếu và là xu hướng của tương lai, vì vậy muốn phát triển giao thông xanh, cần có chính sách hỗ trợ để xanh hóa ngành ô tô, cả ở phía doanh nghiệp sản xuất ô tô lẫn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi; có lộ trình phát triển xe điện hóa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; có ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư trạm sạc, như về đất đai, tiếp cận vốn vay… Các bộ, ngành cũng cần có quy định về quy chuẩn, quy trình đầu tư trạm sạc thống nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Về phía người tiêu dùng, cần thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh; muốn vậy, cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu thêm về lợi ích của xe điện. Song, ô tô xanh sẽ khó phát triển nếu thiếu chính sách cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho biết, ngành ô tô đang có nhiều thay đổi về công nghệ, đặc biệt ô tô sử dụng năng lượng mới hướng đến xanh, sạch.
Cùng với đó, Tập đoàn ưu tiên cho phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm giá thành ô tô, bao gồm khung thân vỏ, nội ngoại thất, đặc biệt là các thiết bị điện tử và nền tảng số về thông minh, an toàn… Tuy vậy, ông Dương xác nhận, công nghiệp hỗ trợ chưa có chiến lược rõ ràng. Vì thế, ông mong muốn Chính phủ cần xem đây là cơ hội để phát triển công nghiệp nền tảng của Việt Nam cũng như xuất khẩu để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.