Ngày 01.9.1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/1999/NĐ-CP đặt nền móng pháp lý đầu tiên cho chính sách BHTG tại Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngay sau đó, ngày 09.11.1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg thành lập BHTG Việt Nam nhằm triển khai chính sách BHTG.
Từ khung pháp lý ban đầu đó, đến năm 2012, Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động BHTG tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng qua nhiều lần sửa đổi và gần đây nhất là Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG. Ngoài ra, Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược phát triển BHTG) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30.12.2022 đã xác định định hướng trong tương lai cho hệ thống BHTG tại Việt Nam.
Những nhiệm vụ này tập trung vào một số vai trò chính của BHTG Việt Nam là hạn mức trả tiền bảo hiểm, chi trả BHTG, tuyên truyền chính sách BHTG và tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Thứ nhất, về hạn mức trả tiền bảo hiểm
Tại Việt Nam, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được thay đổi qua các thời kì, tăng từ mức 30 triệu đồng (1999 - 2004) lên 50 triệu đồng vào năm 2005, 75 triệu đồng vào năm 2017 và tăng lên 125 triệu đồng đối với một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG từ năm 2021. Theo số liệu khảo sát của BHTG Việt Nam vào thời điểm 30.9.2024, hạn mức 125 triệu đồng bảo vệ toàn bộ được 92,36% số người gửi tiền được bảo hiểm tại Việt Nam. Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng có điều khoản cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng.
Quy định này mở ra cơ chế bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, giúp ngăn ngừa rủi ro rút tiền hàng loạt trong trường hợp TCTD cá biệt gặp vấn đề. Để bảo đảm luôn bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, về chi trả tiền bảo hiểm
Chi trả BHTG được coi là nghiệp vụ quan trọng nhất nhằm duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính. Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả xác định hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính. Cũng theo Bộ nguyên tắc, tổ chức BHTG cần hướng đến mục tiêu chi trả phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 7 ngày làm việc. Nếu hiện chưa đạt được mục tiêu này, tổ chức BHTG cần có kế hoạch đáng tin cậy để đạt được mục tiêu đó.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện nay, thời hạn chi trả tiền BHTG hiện nay là 60 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Xuất phát từ các điều kiện thực tiễn và năng lực hiện tại, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030 để tiến đến tuân theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả.
Trong giai đoạn tới, BHTG Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là các quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém được kiểm soát đặc biệt để có các biện pháp tham mưu, đề xuất xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh. Đồng thời, BHTG Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện mô phỏng trả tiền bảo hiểm tại ngân hàng thương mại có quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế theo Chiến lược phát triển BHTG.
Thứ ba, về tuyên truyền chính sách BHTG
Trong nhiều nghiên cứu quốc tế, niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì ổn định, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt và khủng hoảng ngân hàng.
Để góp phần duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng, hiểu biết về BHTG luôn được BHTG Việt Nam chú trọng. Nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách được BHTG Việt Nam triển khai trong nhiều năm qua đã nâng cao đáng kể hiểu biết của người dân về hệ thống BHTG.
Nhằm xác định mục tiêu cụ thể đối với hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG, Chiến lược phát triển BHTG đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Trong thời gian tới, BHTG Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông chính sách BHTG, thực hiện chuyển đổi số, đa dạng hóa phương thức, mở rộng các kênh thông tin, mạng xã hội và cải tiến các sản phẩm tuyên truyền tiếp cận đến công chúng trên phạm vi toàn quốc; đồng thời, định kỳ thực hiện khảo sát mức độ nhận thức của người gửi tiền, xây dựng cơ sở cho việc hoạch định Chiến lược truyền thông của BHTG Việt Nam.
Thứ tư, về tham gia xử lý TCTD yếu kém
Vai trò tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém của BHTG Việt Nam đã được mở rộng trong tất cả các giai đoạn theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, từ giai đoạn bình thường cho đến giai đoạn phá sản. Một số nhiệm vụ của BHTG Việt Nam theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là: (1) Cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bị rút tiền hàng loạt trong cả giai đoạn can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt; (2) Quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; (3) Mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc theo quyết định của NHNN; (4) Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần vốn góp của QTDND được KSĐB; (5) Tham gia xây dựng phương án phá sản QTDND được kiểm soát đặc biệt;...
Việc cho phép BHTG Việt Nam tham gia nhiều hơn và sâu hơn trong quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém giúp nâng cao vai trò và vị thế của BHTG Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu cho BHTG Việt Nam nâng cao năng lực quản lý, bổ sung thêm nguồn nhân lực chất lượng cũng như nguồn lực tài chính cho hoạt động xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nhằm góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng – từ đó bảo vệ tốt nhất người gửi tiền.
Trong thời gian tới, để BHTG Việt Nam hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình, có thể tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để phù hợp hơn với những điểm mới tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Đồng thời BHTG Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn để đề xuất quy định nhằm linh hoạt và nhanh chóng ứng phó, giải quyết các sự cố, khủng hoảng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm tính ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây cũng là yêu cầu khách quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật BHTG để phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, xây dựng hệ thống BHTG hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế.