Chuyên trang HĐND và cử tri Bắc Ninh

Đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động

- Thứ Năm, 02/06/2022, 05:58 - Chia sẻ

Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh tại Sở Nội vụ về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021 của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cho thấy quyết tâm cao của tỉnh Bắc Ninh trong tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm triển khai có lộ trình, không bị xáo trộn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.  

Giảm 240 đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức

Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nguyễn Trọng Tân, giai đoạn 2016 - 2021, tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc sắp xếp, bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế đã tạo động lực phát huy được năng lực, sở trường công tác, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định.

Đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động -0
Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh giám sát tại Sở Nội vụ. Ảnh: Quang Tuấn

Tính đến hết năm 2021, việc thực hiện tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh đạt và vượt mục tiêu theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. So với thời điểm năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 240 đầu mối cơ quan, đơn vị, tổ chức; 28 cấp trưởng, 64 cấp phó lãnh đạo cấp phòng thuộc các cơ quan cấp tỉnh, lãnh đạo cơ quan cấp huyện và tương đương; 37 cấp trưởng, 9 cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập; 40 cấp trưởng, 46 cấp phó lãnh đạo cấp phòng thuộc chi cục; 63 đơn vị chưa tự chủ tài chính; 167 biên chế công chức, bằng 10,22%; 2.655 biên chế viên chức, bằng 10,05%; 82 hợp đồng lao động (theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP 17.1.2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định 161/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập), bằng 10%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, công tác đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được Bắc Ninh hết sức quan tâm. Các đơn vị được giao quyền tự chủ sẽ chủ động trong việc bố trí nhân lực; tự quyết định ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần thiết biên chế. Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã giao quyền tự chủ về tài chính cho 615 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị tự chủ, đã tạo điều kiện cho đơn vị chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, chủ động phân bổ nguồn vốn theo nhu cầu của từng đơn vị; các đơn vị cũng kiểm soát chi tiêu nội bộ dễ dàng hơn, nâng cao kỹ năng quản lý, chất lượng hoạt động.

Cùng với việc chỉ đạo thực hiện cơ chế tự chủ, tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa; thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế xã hội, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung ứng dịch vụ sự nghiệp ngoài công lập; bước đầu đã có nhiều kết quả tốt, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Trong lĩnh vực y tế, nhờ tăng cường tự chủ, công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến dưới ngày càng được cải thiện, phát triển kỹ thuật chuyên môn cao đáp ứng được nhu cầu người bệnh.

Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề sử dụng ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi thường xuyên của tỉnh, nên càng cần đẩy mạnh xã hội hóa. Trên cơ sở giải pháp giảm chi thường xuyên, tỉnh đã chuyển một số đơn vị sự nghiệp sang loại hình tự bảo đảm chi phí hoạt động. Cùng với đó, sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên với Trung tâm Dạy nghề cấp huyện. Việc xã hội hóa đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giảm áp lực cho các trường công lập.

Rà soát chức năng, nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như hiệu quả hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp chưa cao; số người thực hiện chính sách tinh giản biên chế chủ yếu tập trung ở độ tuổi sắp nghỉ hưu...

Trên tinh thần thẳng thắn, không ngại va chạm, Đoàn giám sát cùng với Sở Nội vụ, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc; chỉ ra những nguyên nhân chính là một số lãnh đạo đơn vị chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy trực thuộc. Tình trạng thiếu nhiều giáo viên ở các cấp học, một phần là do số biên chế ngành giáo dục giảm, tỉnh phải thực hiện ký hợp đồng lao động đối với giáo viên. Từ đó, tạo áp lực lớn đối với giáo viên nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Số người thực hiện chính sách tinh giản biên chế chủ yếu tập trung ở độ tuổi sắp nghỉ hưu (bảo đảm đúng đối tượng theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế), chưa có quy định cho cán bộ, viên chức tự nguyện được tinh giản.

Tìm ra được nguyên nhân, để có những giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Chung yêu cầu Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị cần rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thực chất. Trong đó, tập trung rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và xây dựng lại Đề án vị trí việc làm; đổi mới giao chỉ tiêu biên chế hàng năm; hướng dẫn, xây dựng quy định chế tài liên quan đến tuyển dụng của các đơn vị sự nghiệp tự chủ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu về việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; tăng cường đào tạo, đào tạo lại cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công việc…

Tuấn Đỗ