Thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn
Theo đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang, Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn khá cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của tổ đại biểu và giám sát của đại biểu HĐND. Đồng thời, quy định rõ nhiệm vụ của Văn phòng tham mưu, giúp việc thực hiện các hoạt động giám sát.
Việc ban hành Nghị quyết hết sức cần thiết, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND địa phương nói chung và của Văn phòng giúp việc nói riêng; tạo điều kiện thuận lợi, giúp Văn phòng các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong tham mưu HĐND quyết định những chủ trương, giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước ở địa phương…
Tiêu chí chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát
Cũng theo đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang, trách nhiệm của Văn phòng trong tham mưu xây dựng chương trình giám sát đã được quy định cụ thể hơn về các tiêu chí trong việc tham mưu xây dựng chương trình giám sát tại điểm 2, Điều 4 của Nghị quyết. Theo đó, đã có tiêu chí “Báo cáo tổng hợp các nội dung giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND đã thực hiện trong 2 năm trước thời điểm đề xuất”. Đây có thể được coi là tiêu chí chuẩn hóa việc xây dựng chương trình giám sát, tránh việc trùng lặp về nội dung giám sát.
Nghị quyết đã quy định rõ các mốc thời gian thực hiện việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, đề xuất vấn đề chất vấn để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, giải trình và xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa 2 kỳ họp HĐND. Việc xác định rõ thời gian như Nghị quyết bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng thời là căn cứ để xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thực hiện đúng các mốc thời gian đã quy định.
Điều 28 Nghị quyết quy định về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Theo đó, quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Thực hiện việc công khai này sẽ giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị, tạo áp lực xã hội lên các cơ quan bị giám sát để thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.
Điều 29 Nghị quyết quy định “Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan”. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động của các cơ quan HĐND là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp bách, giải pháp hữu hiệu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Quy định này rất cần thiết, đúng và trúng; là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng - đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung triển khai xây dựng quy trình (sơ đồ hóa) các bước trong quá trình triển khai các hoạt động giám sát, bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết số 594 nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ cho hoạt động giám sát; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND và các cơ quan có liên quan. Việc phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa không chỉ thuận tiện trong lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin về các hoạt động của HĐND được tốt hơn mà còn hỗ trợ công tác giám sát của HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND ngày càng hiệu quả hơn.