Trên 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đến nay tỉnh Long An đã gặt hái được những thành quả tích cực. Đặc biệt, diện mạo cơ sở hạ tầng và nông nghiệp nông thôn ngày một cải tiến về chất lượng, góp phần lớn trong việc nâng cao đời sống, kinh tế người dân, mang lại sức sống mới cho vùng đất cửa ngõ phía Tây Nam bộ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền thông tin, đến nay toàn tỉnh đã có 121/161 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 75,2% số xã toàn tỉnh), đạt 85,2% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 52,6% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Về cấp huyện, đã có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Châu Thành, Tân Trụ, Tân An và thị xã Kiến Tường), đạt 40% so với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Qua chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của tỉnh có sự đổi mới rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nông thôn. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường, dân chủ ở nông thôn được cải thiện và ngày càng phát triển.
Tỉnh cũng đã triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh ước tính huy động được trên 100.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ trên 566 tỉ đồng; vốn ngân sách tỉnh 461 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án gần 3.500 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp, người dân gần 800 tỷ đồng; vốn tín dụng 95.500 tỷ đồng.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Truyền, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng NTM phải bảo đảm “hiệu quả, toàn diện và bền vững”. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, người dân biết và phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, mang lại sự chuyển biến tích cực, rõ nét ngay từng hộ gia đình, xóm, xã; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM bảo đảm đồng bộ, linh hoạt và phù hợp.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; huy động tối đa nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Tỉnh Long An đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, có 10/15 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 142/161 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế… đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu của cư dân nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng mức vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến trên 170.000 tỷ đồng.