Hăng hái thi đua lao động sản xuất
Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đạt được nhiều kết quả phát triển khá toàn diện. Tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2018 đạt 3.767 tỷ đồng, đến năm 2022 được 4.591 tỷ đồng (tăng 121,9%), giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt 46 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng/ha so với năm 2018.
Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh giảm dần, năm 2018 là 23,05%, năm 2022 là 22,08% (giảm 0,97%), quy mô sản xuất nông nghiệp có sự tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2022 đạt 2,77%. Tỷ trọng các ngành nội nghiệp trong lĩnh vực cũng có sự thay đổi, giảm dần tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, tăng dần tỷ trọng các ngành lâm nghiệp và dịch vụ nông nghiệp.
Cao Bằng là tỉnh nông nghiệp với lực lượng chiếm 74,5% dân số. Thời gian qua, nông dân trong tỉnh cùng hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trình độ ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân từng bước được nâng lên, tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần dần thích ứng với kinh tế thị trường.
Nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, tham gia hợp tác, liên kết chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần tích cực trong giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên từ 24,9 triệu đồng (năm 2018), tăng lên 44,04 triệu đồng (năm 2022)...
Khẳng định vai trò của nông dân
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân các cấp huy động hội viên, nông dân làm mới, sửa chữa 6.347km đường, kiên cố hóa, sửa chữa 1.653km kênh mương, làm mới, sửa chữa 91 cầu cống, đóng góp 757.313 ngày công lao động, 9,5 tỷ đồng, hiến 442.982m2 đất mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa, trường học; xây dựng các tuyến đường nông dân tự quản, tham gia trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh dọc đường nông thôn... Toàn tỉnh duy trì và phát huy hiệu quả 926 mô hình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu hoạt động hiệu quả, vận động hội viên, nông dân di dời 2.538 chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở…
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Nguyên Bình đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” gắn với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó, nhiều hội viên tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền, ngày công tham gia làm đường, bê tông hóa, sửa chữa, nâng cấp mương nội đồng, xây dựng và sửa chữa trường học, nhà văn hóa xóm… Từ đầu năm 2023 đến nay, hội viên cuả Hội Nông dân huyện Nguyên Bình đã đóng góp 179 công phát quang, vệ sinh 6km đường làng, ngõ xóm; 626 ngày công nạo vét hơn 10km mương nội đồng; 260 công trình duy tu, bảo dưỡng đường nông thôn; hiến 1.628m2 đất…
Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân, các cấp chính quyền phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng NTM.
Ông Nông Thế Thuần, Chủ tịch UBND xã Phong Châu (huyện Trùng Khánh) cho biết, nhờ huy động sức dân, các công trình công cộng trên địa bàn xã được hoàn thành nhanh chóng. Năm 2016, xã Phong Châu đạt chuẩn NTM, hiện xã tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, năm 2022, xã đạt 6/19 tiêu chí NTM nâng cao, năm 2023 tiếp tục phấn đấu đạt thêm 6 tiêu chí NTM nâng cao.
________
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)