Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thông báo công khai nguyên tắc xác định tăng trưởng để các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động giải pháp, lộ trình cung ứng vốn cho nền kinh tế. NHNN chú trọng điều hành mức lãi suất nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, thuận lợi cho hỗ trợ vốn vay phục vụ nền kinh tế.
Đến hết tháng 1.2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Để hỗ trợ khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh vừa hạ lãi suất kết hợp triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, vừa đẩy mạnh đầu tư xây dựng các nền tảng công nghệ, số hóa quy trình vay vốn, qua đó tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người đi vay và bên cho vay.
Hiện tại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định đang triển khai đồng loạt các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,3%/năm đối với các khoản vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung, dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Nam Định cũng đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất USD quy mô 11 nghìn tỷ đồng, dành cho doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu quy mô 50 triệu USD, với lãi suất đang được áp dụng là 6,63%/năm. SHB Chi nhánh Nam Định dành 18 nghìn tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh và phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,99%/năm, thời gian lên đến 25 năm. Chi nhánh còn chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính doanh nghiệp.
Ngoài ưu đãi lãi suất vay, thủ tục, quy trình phê duyệt khoản vay cũng đã được các ngân hàng tối ưu hóa theo hướng thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cho vay trực tuyến, vay tín chấp đối với các khoản vay tiêu dùng đang được đẩy mạnh. SHB Chi nhánh Nam Định hiện đã đưa hàng loạt dịch vụ lên cung ứng trên kênh trực tuyến như mở tài khoản eKYC, thấu chi online, vay cầm cố sổ tiết kiệm, mở thẻ tín dụng trực tuyến phê duyệt trước… Các dịch vụ này được thực hiện 100% trên nền tảng số hóa của SHB giúp khách hàng dễ dàng đăng ký trong vòng chưa đầy 1 phút vào mọi lúc, mọi nơi, 24 giờ/7 ngày.
Hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ số từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay đến khởi tạo, thực hiện, quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức và bán lẻ.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) chi nhánh Nam Định đã triển khai hình thức cho vay trực tuyến với nhiều đối tượng khách hàng, giúp khách hàng không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn. VPBank Chi nhánh Nam Định cũng đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút...
Với các giải pháp đồng bộ, thiết thực của các tổ chức tín dụng, trong 2 tháng đầu năm 2024, tình hình giải ngân vốn ngân hàng đạt kết quả khả quan, tổng dư nợ tín dụng tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các TCTD tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…); công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, đánh giá mức ưu đãi và lựa chọn ngân hàng vay vốn.
Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các TCTD kinh doanh hiệu quả và các TCTD Nhà nước; tăng cường trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh của các TCTD trong việc chia sẻ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số…của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đối tượng thụ hưởng trong tiếp cận chính sách.