Nhiều lợi thế rộng mở
Được biết đến là địa phương có tiềm năng du lịch rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng khai thác tốt những thế mạnh và mở rộng hơn nữa không gian du lịch. Hiện, tỉnh định hướng mở rộng, phát triển 4 không gian du lịch trọng điểm Hạ Long - Uông Bí; Đông Triều - Vân Đồn; Cô Tô - Móng Cái, gắn liền với 4 sản phẩm du lịch chính gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới.
Các tiềm năng du lịch của tỉnh được phân bổ rộng rãi ở các địa phương trên địa bàn, trải dài từ Đông sang Tây, đa dạng theo từng loại sản phẩm du lịch. Trong đó, khu vực phía Đông rất giàu tiềm năng du lịch bởi sự đa dạng của vị trí địa lý, cũng như các nét văn hóa, bản sắc dân tộc độc đáo. Điển hình như huyện Vân Đồn, với lợi thế của biển, du lịch biển đảo đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế của huyện với lượng khách trung bình khoảng 1 triệu khách/năm. Bên cạnh đó, khu vực này còn gây ấn tượng với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, khám phá vẻ đẹp miền sơn cước. Trong đó, Bình Liêu được coi là một trong những địa điểm thu hút đông du khách đến tham quan với nhiều mô hình du lịch cộng đồng mang bản sắc của địa phương.
Còn về phía Tây của tỉnh, sản phẩm du lịch có thế mạnh về văn hóa, lịch sử, tâm linh; hội tụ những giá trị tinh thần vô giá, lưu giữ giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc với trận chiến trên sông Bạch Đằng huyền thoại gắn liền với cụm các di tích lịch sử cấp quốc gia; có đỉnh thiêng Yên Tử, Ngọa Vân nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và nhập niết bàn.
Chú trọng dấu ấn khác biệt
Để duy trì và phát huy hơn nữa các tiềm năng, Quảng Ninh đã duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên gắn với những thế mạnh khác của từng địa phương, chú trọng dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng nỗ lực xây dựng, khai thác tối đa tiềm năng, định hướng phát triển một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và chủ động kết nối, thông tin truyền thông nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa, quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch của địa phương.
Hiện nay, việc đầu tư vào du lịch đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng và đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp lữ hành để quảng bá, thu hút du khách. Tại Bình Liêu, UBND huyện đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội về việc phát triển du lịch huyện giai đoạn 2022 - 2025, với mong muốn xây dựng Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới. Đồng thời, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Bình Liêu mang chiều sâu văn hóa đặc sắc riêng, có chất lượng và hấp dẫn, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Để mở rộng không gian du lịch, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò hết sức quan trọng. Quảng Ninh cũng đang tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển một số sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng thị trường khách, gắn các yếu tố văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch vào sản phẩm; chú trọng đến các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, cảnh quan... Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch, điểm du lịch, sản phẩm du lịch của các trung tâm, khu, điểm du lịch để liên kết tạo chuỗi sản phẩm và mở rộng không gian du lịch, kéo dài ngày lưu trú của du khách.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến. Trong đó, chú trọng các địa phương lân cận bên cạnh trung tâm du lịch Hạ Long, có các tour tuyến kết nối từ Hạ Long đến các địa phương để tạo sự mới lạ, hấp dẫn cho du khách.