“Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”
Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Ninh Thuận, đến nay tỉnh có 2 huyện gồm Ninh Phước, Ninh Hải được công nhận huyện NTM, có 31 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 38 thôn đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xã ven biển Cà Ná (huyện Thuận Nam) có 2.682 hộ với 8.507 khẩu cư trú trên địa bàn 5 thôn. Sau khi đạt chuẩn xã NTM vào năm 2016, xã Cà Ná tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Bà Dương Thị Mỹ Diễm, Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết, địa phương tập trung thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Qua tuyên truyền vận động, người dân hiểu rõ xây dựng NTM là quyền lợi và nghĩa vụ, từ đó, đa số người dân trong xã đã tích cực tham gia. Từ năm 2017 đến nay, xã đã huy động từ các nguồn lực hơn 118,6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ sản xuất, giao thương; xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của người dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 58 triệu đồng/năm. Đến nay, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Tại các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống, diện mạo NTM có sự thay đổi rõ rệt. Điển hình như tại xã An Hải (huyện Ninh Phước), người dân đã thực hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây măng tây xanh cho lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Xã An Hải đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước thông tin, huyện đang tập trung hỗ trợ các địa phương triển khai, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh, nho, táo, sản xuất lúa, ngô, cây rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu; phát triển các nghề dệt thổ cẩm, làm gốm. Năm 2023, huyện phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%.
Xây dựng nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 38 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 216 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Huyền cho biết, tỉnh xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Các địa phương đang tập trung triển khai Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với hoạt động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM gắn với đô thị; phát huy vai trò chủ thể của người dân và vai trò nòng cốt của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, Ninh Thuận đang tập trung huy động tối đa nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các chương trình, dự án khác trên địa bàn; thu hút đầu tư của doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác công tư và xã hội hóa; thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM tại địa phương để thực hiện chương trình xây dựng NTM có trọng tâm, trọng điểm.
________
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)