Ngày 3.3, theo ghi nhận, Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức hiện đang thi công một số khu vực, tuy nhiên theo bản đồ quy hoạch, nhiều nhà dân vẫn còn hiện hữu, khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xong.
Hiện tại, nhiều hộ dân có nhà, đất trong diện quy hoạch của dự án trên địa bàn các phường Long Trường, Trường Thạnh... có đất tiếp giáp với mặt tiền đường lớn, bị thu hồi bởi dự án vẫn chưa chấp nhận giá bồi thường, hỗ trợ.
Ông Lê Minh Thắng (hộ dân có đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh) bị thu hồi bởi Dự án đường Vành đai 3, chia sẻ: "Chúng tôi rất ủng hộ Dự án đường Vành đai 3 nhưng không đồng thuận với giá đền bù đất nông nghiệp. Bởi giá đền bù đất nông nghiệp nằm sâu trong hẻm, không có đường từ 5,8-6 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất nông nghiệp ở vị trí mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Tam Đa… chỉ nhỉnh hơn một chút, khoảng 7,6 triệu đồng/m2. Hiện thị trường giao dịch từ 40-50 triệu đồng/m2, như vậy quá thấp so với giá thị trường, người dân sẽ chịu thiệt rất nhiều".
Tương tự, ông Bùi Thành Tuấn, hộ dân có đất bị thu hồi mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, ý kiến: "Từ khi TP Thủ Đức đưa ra giá bồi thường, hỗ trợ, chúng tôi đã không chấp thuận dù rất ủng hộ Dự án đường Vành đai 3. Chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhưng phải xem xét lại giá bồi thường cho thỏa đáng. Chúng tôi đã gửi đơn thư kiến nghị đến nhiều cơ quan, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cũng lắng nghe ý kiến của chúng tôi, cũng chuyển đơn về TP Thủ Đức đề nghị giải quyết nhưng đến nay người dân vẫn chờ đợi".
“Giá bồi thường, hỗ trợ đối với đất trồng cây lâu năm tiếp giáp với đường lớn như trên là quá thấp. Đó chưa kể đến việc, cùng một tuyến đường Nguyễn Xiển nhưng giá đất nông nghiệp bên phía tỉnh Bình Dương cao gấp 3 lần so với TP. Hồ Chí Minh”, ông Tuấn thông tin.
Tương tự là trường hợp của ông Lương Ngọc Lâm, ông Lâm cho biết: "Trong những lần tiếp xúc cử tri, lãnh đạo TP Thủ Đức sau khi nghe chúng tôi trình bày kiến nghị đã tiếp thu và mong muốn có được giá bồi thường sát với giá trị trường để người dân, doanh nghiệp giảm đi thiệt hại và bất tiện khi phải di dời nhà cửa, tái ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương công khai chứng thư thẩm định giá. Đơn thư kiến nghị gửi đi khá nhiều nhưng đến nay quyền lợi của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, vẫn chưa có phản hồi cuối cùng từ cơ quan có thẩm quyền".
Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hồ Chí Minh có văn bản về việc đôn đốc giải quyết đơn của ông Bùi Thanh Tuấn gửi Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Theo đó, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn của ông Bùi Thanh Tuấn (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức). Nội dung: Kiến nghị về việc không đồng ý đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 qua TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức theo Văn bản số 314/CSBT-HĐBT ngày 26.4.2023 do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án lập.
Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã chuyển đơn gửi đến Chủ tịch UBND TP Thủ Đức để xem xét, giải quyết, báo cáo kết quả thực hiện về Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.
Dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km, kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng.
Tuyến đường Vành đai 3 được đầu tư theo quy mô cao tốc vận tốc 100km/h, quy mô phân kỳ 4 làn xe và đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe) đầu tư không liên tục. Tổng mức đầu tư dự án gần 75.400 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Theo lộ trình được phê duyệt, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.