Chuyển đổi số gắn liền với xây dựng nông thôn mới
Tỉnh Đồng Nai xác định, chuyển đổi số khu vực nông thôn gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM; góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, từng bước hướng tới NTM thông minh.
Chuyển đổi số khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tập trung vào các nội dung gồm: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số gắn với xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có ứng dụng công nghệ số và xã hội số trong xây dựng NTM; cải cách thủ tục hành chính trong việc kinh doanh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, cũng như khám chữa bệnh từ xa...
Việc thực hiện chuyển đổi số khu vực nông thôn là hành trình lâu dài để thay đổi về tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ của người dân. Đồng thời, chuyển đổi số đi từ cơ sở không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt địa phương mà thực sự có ý nghĩa lớn trong thu hẹp khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.
Cụ thể, theo chương trình phát triển chính quyền số, thì ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% công việc cấp xã, phải được xử lý trên môi trường mạng. Đồng thời 100% địa phương, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản. Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu về kinh tế số để góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn, cụ thể, phải có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Nai, mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã đang được triển khai thực hiện. Đồng thời, ngành thông tin - truyền thông cũng chú trọng hướng dẫn các nội dung triển khai về kinh tế số, xã hội số nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa, cũng như khám chữa bệnh từ xa.
Hỗ trợ, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn
Nhận thức được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số đối với khu vực nông thôn, tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), 100% cán bộ, công chức tại xã đều được trang bị máy tính để phục vụ công việc và triển khai các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; nâng cấp, bổ sung thiết bị, tối ưu hóa mạng nội bộ của xã; đầu tư, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình để tham gia họp với huyện, tỉnh và Trung ương… tạo cơ sở để chính quyền địa phương có thể triển khai được mô hình chuyển đổi số cấp xã.
Bên cạnh đó, UBND xã Bình Lợi đã triển khai sử dụng đầy đủ các phần mềm liên thông từ Trung ương, tỉnh, huyện đến xã; triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử... để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, quy trình tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính được chuyển đổi dần theo phương thức trực tuyến. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
UBND xã Bình Lợi cho biết, định hướng sắp tới về công tác chuyển đổi số trên địa bàn xã, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, địa phương sẽ tích hợp hệ thống camera an ninh từ việc giám sát chuyển thành camera thông minh để phân tích, giám sát tình hình quản lý trật tự xã hội cũng như an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Một nội dung khác là tiếp tục đưa các sản phẩm trên địa bàn xã, nhất là các sản phẩm OCOP chủ lực lên sàn giao dịch điện tử.
Xã Bình Lợi cũng đã bước đầu phát triển xã hội số với việc triển khai các dịch vụ giáo dục thông minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy với sự tham gia của nhà quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh… Về kinh tế số, Bình Lợi đang nỗ lực triển khai đưa các nông sản nổi bật, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy các dịch vụ thanh toán điện tử trong người dân.