Nâng cao sức cạnh tranh, tạo chuỗi sản phẩm hấp dẫn
Quảng Ninh có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch biển đảo phân bổ ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với lợi thế vị trí địa lý và hệ thống kết nối giao thông thuận tiện, nhanh chóng cả đường bộ và trên biển, những năm gần đây, việc liên kết du lịch vùng trong và ngoài tỉnh được Quảng Ninh chú trọng thực hiện, góp phần không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế.
Hiện, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, kết nối các vùng miền; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng. Nhờ đó, không gian du lịch của tỉnh mở rộng với việc tăng cường liên kết vùng, kết nối 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, gồm: Vùng du lịch trung tâm tại TP. Hạ Long và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh tại Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên; du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô và vùng du lịch biên giới tại khu vực Móng Cái và lân cận. Từ đó, từng bước khai thác thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững.
Mới đây, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP. Hải Phòng đã ký thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông để đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc phía đông Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Dựa vào tuyến cao tốc phía Đông, 4 địa phương trong khu vực đã có động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế vùng. Đặc biệt, với ngành du lịch, đây là một lợi thế không nhỏ giúp nâng cao sức cạnh tranh các điểm đến, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch 4 mùa đa dạng, hấp dẫn.
Hướng đến mục tiêu đưa ngành du lịch, dịch vụ của vùng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, kết nối chặt chẽ để nâng cao hiệu quả vùng; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm du lịch chung giữa các địa phương trong vùng và liên kết trong quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch theo hướng thống nhất, đồng bộ, hỗ trợ và phối hợp đầu tư để phát triển các điểm đến, chia sẻ nguồn khách du lịch, hợp tác chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Mở rộng liên kết thị trường
Kể từ khi mở cửa du lịch, Quảng Ninh không ngừng chủ động xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước. Giữa tháng 5.2022, tỉnh Quảng Ninh đã tham gia Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh với hàng nghìn sản phẩm du lịch hấp dẫn của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, điểm tham quan khắp cả nước. Qua đó, Quảng Ninh hướng đến việc mở rộng hợp tác toàn diện để phát triển thị trường khách du lịch, cũng như liên kết xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh đã chủ động ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại TST (TST Tourist). Hai bên thống nhất các nội dung gồm: Hợp tác khai thác thị trường khách quốc tế từ các khu vực: Đông Nam Á (Thái Lan); Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...), Nam Á (Ấn Độ), Trung Đông, châu Âu, Mỹ đến Quảng Ninh. Trong tháng 8, Sở Du lịch Quảng Ninh đã đón đoàn gần 700 khách là cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần thực phẩm và đồ uống quốc tế (Interbos) đến từ TP. Hồ Chí Minh. Đây là đoàn khách được kết nối từ chương trình xúc tiến của Sở Du lịch Quảng Ninh với đơn vị lữ hành TST Tourist.
Thời gian tới, TST Tourist cũng sẽ triển khai hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các chương trình tour hấp dẫn, mới lạ tại Quảng Ninh và các tỉnh Đông Bắc, mở rộng giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế, góp phần tích cực trong việc gia tăng lượng khách đến Quảng Ninh. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ ngành du lịch của tỉnh.