Thực tế này đặt ra yêu cầu Chính phủ cần đánh giá thật cụ thể những tác động tiêu cực mà sự yếu kém trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch gây ra, nhất là vấn đề thu hút đầu tư. Như chúng ta biết, các nhà đầu tư, doanh nghiệp “rót vốn” ở lĩnh vực nào, ở địa phương nào vấn đề đầu tiên họ xem xét là cam kết chính trị của Nhà nước, của chính quyền nơi đó như thế nào. Cam kết chính trị đó thông qua công cụ quản lý nhà nước đó là công tác quy hoạch. Nhưng thực tế là công tác này chúng ta triển khai rất chậm. Sau 3 năm mới chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt. Có ý kiến đại biểu nêu: “chưa có quy hoạch thì biết đầu tư ở đâu?”. Như vậy, có phải chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm cụ thể thuộc về ai.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch (Điều 54) quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc thẩm định, quyết định và phê duyệt quy hoạch mới. Tuy nhiên, trong thực tế và báo cáo giám sát đã nêu, chất lượng quy hoạch còn thấp, không khả thi, thiếu tính ổn định, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến triển khai các thủ tục đầu tư - trong khi nhu cầu này trong tương lai rất cần thiết. Nếu thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch theo quy định từ Điều 51 đến Điều 54 sẽ mất rất nhiều thời gian, không thu hút được các nhà đầu tư và sẽ làm cho các nhà đầu tư mất kiên nhẫn, nản chí vì chờ đợi mỏi mòn các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính.
Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ nên mạnh dạn phân cấp cho UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề điều chỉnh quy hoạch sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành. Có như vậy mới cải thiện được môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Một vấn đề nổi cộm nữa mà xã hội và người dân hết sức quan tâm là quy hoạch treo, dự án treo. Quy hoạch treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố và sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ kế hoạch.
Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy. Đây là nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, Chính phủ cần quy định cụ thể, trong thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Xử lý được các vấn đề như vậy, quy hoạch mới có thể là công cụ để các cấp, ngành chỉ đạo thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu phát triển và phân bổ nguồn lực, sắp xếp không gian phát triển nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; từ đó thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư.