Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan đã tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Luật gồm 6 chương và 36 điều (nhiều hơn 3 điều so với Luật Công đoàn năm 2012).
Sau khi nghe tóm tắt những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu đều khẳng định thời gian qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong tổ chức các kỳ họp, nghiên cứu, ban hành nhiều luật phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân cũng như người lao động.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời, đưa ra các ý kiến, góp ý vào dự thảo về các nội dung, như: Đề nghị bổ sung đối tượng cá nhân có sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động là người Việt Nam ở trong nước đưa lao động Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài.
Thống nhất cao với quy định Công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định; mô hình tổ chức công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các đại biểu cho rằng: Quy định này sẽ tạo điều kiện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí mô hình mở phù hợp thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Các đại biểu cũng góp ý về việc tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn; xem xét, có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế theo hướng tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quy định quyền gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn...
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đỗ Thị Lan đánh giá cao các ý kiến của đại biểu, đồng thời khẳng định các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp chuyển tới Quốc hội.