Nâng cao chất lượng sản phẩm
Cá tra là một trong những loài thủy sản chủ lực của Việt Nam, với vùng nuôi tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Tổng diện tích nuôi cá tra đạt gần 6.000ha, sản lượng thu hoạch hơn 1,5 triệu tấn, xuất khẩu đến hơn 150 thị trường và đem về kim ngạch 2,2 tỷ USD trong năm 2023.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 8.2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường đạt 191 triệu USD, tăng 12% so với tháng 8.2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 8 tháng đầu năm nay đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng trong 8 tháng đầu năm 2024 được đánh giá là khá tích cực, khi liên tục tăng trưởng dương ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, CPTPP, Hà Lan,...
Mặc dù có nhiều tín hiệu tốt từ thị trường xuất khẩu, song thực tiễn cho thấy ngành cá tra vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như: sự phân bố vùng nuôi không đồng đều, chủ yếu tại các trang trại và hộ nuôi nhỏ lẻ; hạ tầng chưa đồng bộ; chi phí đầu vào gia tăng trong khi giá bán lại thấp, dẫn đến việc nhiều người nuôi thua lỗ. Đơn cử tại huyện Trà Ôn, từng là vùng nuôi cá tra lớn của tỉnh Vĩnh Long, diện tích nuôi hiện nay đã giảm mạnh, chỉ còn chưa đến 50ha.
Ông Võ Văn Đấu, người nuôi cá tra lâu năm tại xã Phú Thành (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) chia sẻ: mặc dù giá cá tra nguyên liệu có tăng và đang ở mức 27 - 28 ngàn đồng/kg, nhưng chi phí thức ăn và con giống tăng liên tục khiến người nuôi không có động lực thả giống tiếp. Hơn hết, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng, trong khi môi trường nuôi không còn bảo đảm. Nếu nuôi cá gần khu vực trồng vườn, khi người dân phun thuốc và xả nước ra kênh, nước đó nếu chảy vào ao nuôi, làm cá nhiễm thuốc, công ty kiểm tra sẽ không thu mua. Chưa kể, nguồn nước ô nhiễm còn khiến cá dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh gan thận mủ, rất khó chữa nên bà con đã treo ao gần hết.
Chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất, một số doanh nghiệp cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nước và hoạt động nuôi trồng rất lớn. Hạn kiệt làm một số vùng nuôi bị thiếu nước bơm. Nhiệt độ trong ngày dao động lớn, làm cá dưới ao chậm thích nghi, dễ dẫn đến bị bệnh. Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Phạm Thị Thu Hồng, cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, việc chuyển đổi sang mô hình nuôi thâm canh theo các tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BAP, ASC và CoC là cần thiết để bảo vệ môi trường và tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển được hệ thống tự động hóa thu gom và tách bùn đáy ao phù hợp với các địa hình của từng khu vực nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ có sự tham gia của doanh nghiệp để gia tăng hiệu quả sản xuất.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng khẳng định, mặc dù Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1.8.2020, mang đến cơ hội lớn cho ngành cá tra Việt Nam, nhưng việc mở rộng thị trường sang EU cũng đi kèm nhiều thách thức do yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao. Do đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam trên thị trường, là những yếu tố then chốt giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cần bước đi chiến lược
Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay một biểu tượng, mà còn là hình ảnh, uy tín và sự tin tưởng mà khách hàng dành cho sản phẩm cá tra. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường xuất khẩu thủy sản toàn cầu, việc xây dựng một thương hiệu mạnh mẽ không chỉ là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, mà còn là chìa khóa mở rộng thị trường cho ngành hàng cá tra.
Công ty Nam Việt, đóng trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua đã không ngừng nỗ lực để củng cố thương hiệu và đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới cho biết, việc xây dựng và phát triển thương hiệu mạnh mẽ cho ngành hàng cá tra là một chiến lược mang tính sống còn của doanh nghiệp. Cũng theo ông Tới, một thương hiệu được xây dựng vững chắc sẽ giúp công ty dễ dàng mở rộng thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh các rào cản thương mại đang ngày càng khắt khe hơn. Theo đó, công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng đến chế biến và đóng gói. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới công nghệ chế biến và đa dạng hóa sản phẩm.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, để bảo đảm sự phát triển của ngành mang tính ổn định, bền vững, ngành hàng cá tra cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp mang tính chiến lược, đồng bộ, bao gồm: Phát triển con giống, hoàn thiện quy trình nuôi, tăng cường công tác chế biến và bảo quản, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện chính sách để hỗ trợ cho ngư dân. Đồng thời, tiếp tục có biện pháp kiềm chế giá thức ăn thủy sản, đẩy mạnh liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngân hàng) cùng nhiều giải pháp khác để vực dậy ngành hàng cá tra.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ATTP và bảo vệ môi trường. Chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra; trong đó, giống chất lượng cao là khâu then chốt, yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong tương lai, các địa phương vùng ĐBSCL cần hình thành cụm sản xuất cá tra khép kín từ khâu ươm cá giống, nuôi cá bột, cá thương phẩm và chế biến phi lê xuất khẩu. Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm cá tra ở tất cả các khâu; dễ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung, giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang sử dụng dễ dàng, từ đó, nâng cao hình ảnh, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá tra Việt Nam.
Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường