Lúng túng do thiếu thống nhất
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất đai của 8 luật khác, gồm: Quy hoạch, Đầu tư, Lâm nghiệp, Thủy sản, Tổ chức chính quyền địa phương, Thi hành án dân sự, Thuế thu nhập cá nhân, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Việc sửa đổi các quy định này nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Nội dung Điều 245 của Luật Đất đai 2024 sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan thẩm quyền HĐND tỉnh, huyện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Nhìn lại các quy định trước có thể thấy, Luật Đất đai 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định khá rõ về thẩm quyền HĐND tỉnh, huyện trong thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đối với cấp tỉnh, khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai 2013 quy định “2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt”. Quy định này cũng phù hợp với điểm h khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về thẩm quyền HĐND tỉnh “Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt”.
Ở cấp huyện, khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai 2013 quy định “UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Như vậy, Luật Đất đai 2013 chỉ đề cập thẩm quyền HĐND cấp huyện trong việc thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, không đề cập việc HĐND cấp huyện “thông qua” hay “cho ý kiến” về kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại quy định rõ việc HĐND cấp huyện “thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”. Chính sự thiếu thống nhất, chưa đồng bộ giữa Luật Đất đai 2013 với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền HĐND cấp huyện đối với kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã dẫn đến lúng túng trong quy trình tổ chức thực hiện.
Tiếp tục rà soát, xử lý các văn bản đã ban hành chưa phù hợp
Quy định về thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thể hiện tại Điều 72 Luật Đất đai 2024 cơ bản kế thừa các quy định Luật Đất đai 2013 và đẩy mạnh phân cấp hơn trước. Theo đó, khoản 3 Điều 72 quy định “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” thay vì Chính phủ như Luật Đất đai 2013. Khoản 4 Điều 72 quy định “UBND cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện”, đã bỏ quy định “UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt”.
Ngoài ra, Điều 245 Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đề cập 3 điều khoản sửa đổi các Điều 19, 26, 40 và bổ sung 1 khoản ở Điều 42 nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền HĐND tỉnh, huyện liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng không còn quy định thẩm quyền HĐND tỉnh về thông qua kế hoạch sử dụng đất mà chỉ còn thẩm quyền “Thông qua quy hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Đối với cấp huyện, điểm a khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung thành “Thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện”, không còn quy định thẩm quyền “thông qua kế hoạch sử dụng đất” như trước. Đối với HĐND thành phố trực thuộc Trung ương, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn (khoản 3 Điều 40 Luật) cũng được sửa đổi, bổ sung từ “Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” thành “Thông qua kế hoạch sử dụng đất”.
Theo quyết nghị của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, sớm hơn 150 ngày so với biểu quyết trước đó khi thông qua Luật. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết các nhiệm vụ được Luật giao. Đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh, cùng với việc nghiên cứu ban hành các nghị quyết, quyết định cụ thể hóa quy định luật, nghị định, cần tiếp tục rà soát, xử lý các văn bản đã ban hành chưa phù hợp các quy định mới.