Mức nâng quy mô vốn đầu tư công chưa đồng bộ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc sửa đổi Luật Đầu tư công để tập trung thực hiện các chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công và các dự án đầu tư công hiện nay. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như các bước, thời gian, quy trình, thủ tục thực hiện triển khai dự án đầu tư công; đề cao trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện các nội dung liên quan đến đầu tư công, nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
Liên quan đến quy mô vốn đầu tư công, dự thảo Luật đề xuất tăng về mức vốn để xác định tiêu chí dự án nhóm A, B, C và dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần (từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng); tiêu chí vốn đối với các dự án nhóm A, B, C tăng 2 lần.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần rà soát, thống kê, đánh giá về số lượng dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng và trên 30.000 tỷ đồng trong thời gian vừa qua. Đánh giá tác động khi tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng; thuyết minh đầy đủ căn cứ xác định và đánh giá tác động của chính sách cũng như tác động về năng lực thực hiện của các địa phương, tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện, gây thất thoát, không hiệu quả.
Băn khoăn về nội dung thay đổi các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận thấy, các mức tăng như dự thảo là chưa đồng bộ và cần làm rõ cơ sở của việc thay đổi tiêu chí.
Đồng tình với ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc thay đổi tiêu chí như dự thảo sẽ làm thay đổi cơ cấu của các dự án. Do đó, cần báo cáo cụ thể có bao nhiêu dự án trên 30.000 nghìn tỷ đồng, bao nhiêu dự án quy mô từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 nghìn tỷ đồng?
Lưu ý đến năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, một dự án quy mô 10.000 tỷ đồng đã phải có Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định, nghiên cứu tiền khả thi hoặc khả thi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Vậy dự án với quy mô 29.000 tỷ đồng giao về cho địa phương, không có Hội đồng thẩm định Nhà nước, không có đánh giá của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, chưa kể còn liên quan đến những yếu tố kỹ thuật phức tạp, thì các địa phương sẽ tiến hành thẩm tra, thẩm định các dự án này như thế nào?
“Vấn đề quan trọng là các địa phương có đảm nhiệm được chức trách này hay không? Thực tế hiện nay, có những dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm tra, đánh giá kỹ lưỡng rồi mới thông qua nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn có vướng mắc, bất cập”. Nêu thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng các quy định về phân loại tiêu chí các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời nếu xảy ra vi phạm
Đối với việc luật hóa một số chủ trương, chính sách đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, khi xem xét quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định rất rõ tại Kết luận số 958 ngày 27.9.2024 là “đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm thì phải có tổng kết đánh giá tác động đầy đủ, cho thấy hiệu quả phù hợp mới quy định vào luật”.
Đối chiếu yêu cầu này với hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong dự án Luật lần này Chính phủ có đề nghị luật hóa một số chủ trương đang thực hiện thí điểm như: tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với dự án các nhóm A, B, C thành dự án độc lập; cho phép quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, tương tự đối với địa phương, một UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện dự án trên địa bàn 2 đơn vị hành chính cấp dưới trở lên; cho phép ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện chính sách cho vay ưu đãi.
Nếu tiến hành tổng kết và thực sự thấy những chính sách này qua thực hiện thí điểm có tác dụng tích cực, hiệu quả thì có thể luật hóa để áp dụng chung nhưng phải trên cơ sở tổng kết và có thông tin, dữ liệu, có nguồn kiểm chứng, bảo đảm nhận định, đánh giá là thực sự khách quan. “Chúng ta đang thí điểm chậm nhưng lại đưa vào luật ngay, đến khi quá trình triển khai rộng trên các địa phương bắt đầu vướng mắc thì lúc đó lại đặt ra vấn đề khác”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý.
Bên cạnh đó, việc giao cho một địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên 2 địa bàn là chủ trương thí điểm đang được thực hiện theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và có hiệu lực từ cuối tháng 11.2023, tính đến nay đã triển khai được khoảng 9 tháng. Theo Nghị quyết, thời gian thực hiện còn kéo dài đến tháng 6.2025, sau đó đến cuối năm 2025 Chính phủ tiến hành tổng kết và báo cáo Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu luật hóa ngay trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) thì Chính phủ phải cung cấp thông tin rất đầy đủ liên quan đến việc triển khai Nghị quyết số 106/2023/QH15 trong thời gian qua có hiệu quả như thế nào.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, dự thảo Luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Tán thành với chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền, song, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, cần làm rõ các cơ quan phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và không đùn đẩy, cơ quan cấp trên phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời nếu xảy ra vi phạm.
Trong phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đối với các chính sách đã, đang thực hiện thí điểm phải đánh giá tác động đầy đủ, minh chứng được khi áp dụng mang lại hiệu quả thì mới quy định vào luật. Chính phủ cần rà soát kỹ, thuyết minh thuyết phục hơn 3 chính sách thuộc nhóm chính sách đang thí điểm, đồng thời quy định trong luật nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách quy định trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện chính sách để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.