Thời sự Quốc hội

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp

Phi Long 07/05/2025 19:16

Thảo luận tại Tổ 1, các ĐBQH thành phố Hà Nội thống nhất với sự cần thiết trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nhằm phục vụ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp.

Thay đổi cách thức thấy ý kiến của Nhân dân

Góp ý tại thảo luận tổ, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy nhất trí với việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, những sửa đổi này phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước, một nhiệm vụ đang được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả cao. Theo đại biểu, từ đầu năm đến nay, Quốc hội đã quyết định chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Ngày hôm qua (6.5), Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.

"Dự thảo này đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đánh dấu một bước tiến bộ đáng kể”, ĐBQH Nguuyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng, điểm khác biệt trong lần lấy ý kiến này là ngoài các hình thức truyền thống, việc lấy ý kiến đã áp dụng nền tảng số thông qua ứng dụng VNeID. “Tính đến nay, đã có hơn 1.300 lượt ý kiến được ghi nhận trên ứng dụng này. Tôi kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhân dân”, ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ thông tin thêm.

ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu tại thảo luận tổ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu tại thảo luận tổ

Làm rõ một số điểm đáng chú ý trong nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ cho biết, dự thảo không liệt kê cụ thể các loại đơn vị hành chính, mà chỉ nêu rằng đơn vị hành chính bao gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Dự thảo quy định theo hướng này dựa trên rút kinh nghiệm từ Điều 110 của Hiến pháp hiện hành, vốn quy định quá cụ thể, dẫn đến thiếu linh hoạt trong tổ chức đơn vị hành chính. Hơn nữa, cụm từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” đã được sử dụng tại Hiến pháp, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, nên việc sử dụng cụm từ này không phải mới và vẫn phù hợp với các quy định hiện hành.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ, quá trình xây dựng và biên tập dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến còn băn khoăn về quy định chuyển tiếp liên quan đến việc chỉ định các chức danh thuộc HĐND và UBND tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp. Về vấn đề này, đại biểu cho rằng cơ chế chỉ định này phù hợp, bởi nhiệm kỳ của HĐND tại các đơn vị hành chính hiện nay chỉ kéo dài đến đầu năm 2026, thời gian còn lại rất ngắn.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính lần này diễn ra trên toàn quốc, với quy mô lớn như nhập nhiều tỉnh, thành hoặc nhập 5 - 7 xã thành một xã. Thay đổi này khiến các đại biểu HĐND tại các đơn vị trước sắp xếp khó có điều kiện theo dõi, đánh giá chính xác năng lực, trình độ, và khả năng đảm đương công việc của các cán bộ sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại đơn vị hành chính mới. Vì vậy, đại biểu cho rằng, việc chỉ định là giải pháp hợp lý.

Đối với cấp xã, dự thảo quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban của HĐND cấp xã, cũng như Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhận định, quy định này còn gây băn khoăn về nguyên tắc quản lý hành chính, bởi theo luật hiện hành, Chủ tịch UBND cấp trên phê chuẩn các chức danh do HĐND cấp xã bầu, còn cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

“Việc giao Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định các chức danh cấp xã có thể chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính, mặc dù phù hợp với Kết luận của Bộ Chính trị. Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền cân nhắc điều chỉnh thẩm quyền chỉ định để bảo đảm phù hợp hơn với nguyên tắc quản lý hành chính hiện nay”, đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh.

Thực hiện liên thông trong công tác cán bộ

Cho ý kiến về dự án Luật Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các ý kiến cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức; các nội dung tại dự thảo luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.

ĐBQH Tạ Đình Thi tán thành với mục tiêu, quan điểm, nội dung cơ bản của dự thảo luật; đồng thời đề nghị nhấn mạnh thêm quan điểm sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công vụ, đội ngũ cán bộ công chức minh bạch, hiệu quả; lưu ý rà soát thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định về cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, bảo đảm tính liên thông trong hệ thống chính trị, liên thông với các cơ sở dữ liệu khác liên quan; có các quy định ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý cán bộ, nhất là số hóa quy trình tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, giảm thủ tục phiền hà, rườm rà.

Góp ý quy định về vị trí việc làm và ngạch công chức tại mục 3 Chương 4 của dự thảo luật, có ý kiến đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Bởi, vị trí việc làm bao gồm cả ngạch công chức, do đó để bảo đảm tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá, quy định rõ ràng cụ thể. Trong đó, có cơ chế vị trí chức danh, ngạch công chức và chỉ tiêu biên chế.

“Đối với quy định về đánh giá cán bộ công chức tại Điều 19 của dự thảo luật, đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể việc áp dụng các cơ chế đánh giá dựa trên KPI, đánh giá dựa trên ý kiến phản hồi của người dân và doanh nghiệp… Từ đó, bảo đảm công tác đánh giá cán bộ, công chức minh bạch, rõ ràng hơn”, ĐBQH Tạ Đình Thi đề nghị.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát các quy định tạo động lực cho cán bộ, công chức, trong đó có chính sách lương, thưởng, gắn với hiệu suất và điều kiện làm việc; nghiên cứu hệ thống lương bảo đảm quyền lợi và động lực cho cán bộ công chức làm việc.

Về mô hình tổ chức HĐND, UBND các xã, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về mô hình tổ chức UBND linh hoạt bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vùng miền và đúng với tinh thần tinh gọn bộ máy tổ chức. Tương tự, đối với mô hình của HĐND cấp xã, không nên quy định cứng trong luật, mà giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định mô hình tổ chức, hoặc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động của các Ban HĐND cấp xã.

ĐBQH Bùi Huyền Mai phát biểu tại thảo luận tổ
Đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai phát biểu tại thảo luận tổ

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Bùi Huyền Mai cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền cấp xã như Tờ trình của Chính phủ sẽ đủ cơ sở pháp lý để vận hành trơn tru, hiệu quả cao; đồng thời, đề nghị cân nhắc mở rộng thẩm quyền của UBND tại các đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể linh hoạt trong tổ chức các cơ quan chuyên môn.

Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp tại Chương 3, dự thảo luật đã đề cập đến các quy định về phân cấp, ủy quyền - đây là cuộc cách mạng về cách thức vận hành chính quyền cấp xã, từ chỗ thụ động thực hiện nhiệm vụ công việc do cấp huyện giao, sang chủ động tổ chức thực hiện các công việc được phân cấp, ủy quyền.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy các cấp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO