Cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) cho rằng, chính sách đối với nghệ nhân chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 13 là chính sách ưu việt nhằm bảo đảm và khuyến khích các địa phương có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng. Tại Khoản 2 quy định, căn cứ theo tình hình thực tiễn, HĐND cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương.
Thực tế hiện nay, một số địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khá đã có những quy định riêng đối với nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, tuy nhiên một số địa phương còn khó khăn lại chưa có nguồn kinh phí để quy định vấn đề này. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có khung hướng dẫn cụ thể tại Khoản 2 để bảo đảm căn cứ vào mức khung sẽ quy định được nội dung cụ thể, cũng như mức kinh phí tối đa hoặc tối thiểu để các địa phương trên cả nước có thể bố trí thực hiện. Từ đó tiếp tục khuyến khích, khích lệ các nghệ nhân này tham gia việc phát huy, gìn giữ các di sản phi vật thể tại địa phương.
Tại khoản 1, Điều 90 về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ”. Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 90 cũng quy định: “Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ”.
Đại biểu Hoàng Đức Chính đề nghị cần xem xét lại sự cần thiết khi thành lập Quỹ này. Bên cạnh đó, cần nêu rõ vai trò của ngân sách nhà nước trong việc hình thành vốn điều lệ cũng như của Ban quản lý Quỹ tại Điều 90.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) cũng đề nghị, cần xem xét, cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Bởi, qua xem xét giám sát về kết quả tình hình thực hiện các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho thấy, các Quỹ gần như không hoạt động, chủ yếu là gửi tiền tiết kiệm, sau đấy lấy kinh phí lãi để trả tiền cho Ban quản lý.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà, trong dự thảo luật đã có những nội dung quy định chi tiết rất cụ thể về ngân sách nhà nước liên quan đến các trình tự thủ tục trong công tác xây dựng di sản, nhà ở bên ngoài cạnh khu di tích. Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ những nội dung này để bảo đảm tính thống nhất, cắt giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan.
Đối với các quy định về bảo tàng công lập, một số đại biểu cho rằng, thông qua việc đầu tư cho các bảo tàng thời gian qua có thể thấy, tính hiệu quả các bảo tàng công lập không được cao, trong khi hiện nay đã có nhiều bảo tàng công lập. Dự thảo luật đưa ra những trường hợp, điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và mỗi bảo tàng công lập lại thành lập một đơn vị sự nghiệp công lập. Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại vấn đề này để bảo đảm phù hợp với quy định liên quan về cải cách hành chính và phù hợp với các nghị quyết của Trung ương liên quan đến các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Có chế tài cụ thể hơn trong quản lý sàn giao dịch điện tử về thuốc
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) băn khoăn về việc cho phép ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Khoản 3, Điều 7. Theo đại biểu, nếu so sánh với pháp luật đầu tư thì đây là vấn đề cần phải xem xét thêm. Luật Đầu tư quy định, đối với các dự án liên quan trong lĩnh vực được ưu đãi đầu tư là phải có tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng và phải giải ngân trong 1 năm khoảng 10.000 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo cần xem xét, đánh giá bổ sung thêm về nội dung này trong liên quan đến ưu đãi đầu tư vì hiện còn khác biệt so với pháp luật đầu tư hiện hành. Bởi theo quy định của pháp luật đầu tư hiện hành, những trường hợp ưu đãi đầu tư đặc biệt là dự án về phát triển đổi mới sáng tạo, có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ, giải ngân trong năm khoảng 1.000 tỷ và liên quan đến những nội dung lớn.
Quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 7: “Cho phép kéo dài thời hạn sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lên 10 năm đối với các hoạt động đầu tư nghiên cứu, sản xuất thuốc mới, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học và nguyên liệu làm thuốc là dược chất”. Một số đại biểu cho rằng, những nội dung này trong quy định hiện nay theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ trích tối đa 10% thu nhập trước thuế và thời gian chỉ kéo dài 5 năm. Tuy nhiên đối với việc nghiên cứu sản xuất thuốc lại được trích đến 20% thu nhập tính thuế và kéo dài 10 năm. Điều này tạo sự khác biệt rất lớn so với các quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, do vậy cần đánh giá kỹ hơn về nội dung này.
Liên quan đến trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc tại Điểm c, Khoản 4, Điều 1 của dự thảo, để bảo đảm tính khả thi, áp dụng pháp luật được thuận lợi, ĐBQH Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ, cụ thể hơn bởi vì “tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục” và “ưu tiên về trình tự thủ tục” vẫn ở mức độ định tính, khó thực hiện khi luật được ban hành. Hơn nữa, nội dung này cũng không được giao Chính phủ quy định chi tiết.
ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) cũng đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung quy định về chế tài theo hướng cụ thể hơn trong quản lý các sàn giao dịch điện tử về thuốc; quy định về thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia; thuốc cổ truyền mang thương hiệu quốc gia; công tác quản lý bán thuốc theo đơn. Đồng thời công khai minh bạch việc đấu thầu thuốc, giá bán thuốc nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu.