Chính trị

Có hình thành một cấp điều tra mới ở cấp xã không?

Hoàng Ngọc 21/05/2025 13:55

Thảo luận tại Tổ chiều 20.5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) bày tỏ lo ngại quy định tại Khoản 2, Điều 37. Theo đó, quy định này có vô hình chung lại hình thành một cấp điều tra mới ở cấp xã hay không?

Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ xét xử vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự bổ sung thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực đối với các tội phạm có khung hình phạt từ trên 15 đến dưới 20 năm tù và vẫn loại trừ một số tội danh như quy định hiện hành.

ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu

Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm những vụ việc không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, tức là những vụ án về tội phạm có khung hình phạt từ trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và những vụ án về các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xét xử như trên, ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ, vì những lý do sau:

Thứ nhất, theo dự thảo luật thì phạm vi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là tương đối rộng nên số lượng vụ án xét xử phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao sẽ rất nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải.

Thứ hai, không phù hợp với định hướng "thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới" tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không bảo đảm với định hướng hạn chế số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đến Tòa án nhân dân tối cao.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo hướng Tòa án nhân dân khu vực xét xử sơ thẩm tất cả những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng. Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực và một số vụ án khác theo quy định của dự thảo Luật.

Trưởng Công an cấp xã có toàn quyền giải quyết vụ án mà không phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan điều tra?

Khoản 2, Điều 37, dự thảo Luật quy định: “Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a, c khoản 1, khoản 2 Điều 36 Bộ luật này”.

Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, khi vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì Thủ trưởng cơ quan điều tra buộc phải chuyển và phân công Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã giải quyết. Hay tùy nghi chuyển?

Nếu buộc phải chuyển thì nội dung này có khác gì điểm a khoản 5 Điều 163, có mâu thuẫn với khoản 3 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành hay không.

Đáng lưu ý, Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Vậy, mô hình tổ chức Công an cấp xã có phải được bố trí nhiều Điều tra viên?

Khi Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì: Việc ra Lệnh tạm giam, Kết luận điều tra… được ký với tư cách Điều tra viên hay Trưởng công an cấp xã hay phải là Thủ trưởng cơ quan điều tra? Bên cạnh đó, dấu của các văn bản tố tụng này của Cơ quan điều tra hay của Công an cấp xã.

Đại biểu cũng lưu ý quy định tại Khoản 2, Điều 37, dự thảo Luật mâu thuẫn với khoản 4, Điều 36 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Như vậy, dự thảo luật quy định theo hướng: Khi vụ án thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng thì phải chuyển công an cấp xã; Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã khi được phân công là thực hiện nhiệm vụ ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan điều tra; Các văn bản tố tụng được ban hành với tư cách Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được xác định bằng con dấu của Công an cấp xã.

“Quy định nêu trên vô hình chung lại hình thành một cấp điều tra mới ở cấp xã. Khi được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra, Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã có toàn quyền giải quyết vụ án mà không phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra công an cấp tỉnh gần như “không còn vai trò tố tụng” đối với các loại vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã”, đại biểu lưu ý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có hình thành một cấp điều tra mới ở cấp xã không?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO