Cô đơn có thể gây nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn

Sức khỏe tâm thần và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường có thể có các mối liên hệ mật thiết với nhau.

Mới đây, một nghiên cứu kéo dài 20 năm cho thấy những người cảm thấy cô đơn sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn

Cô đơn có thể gây nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn -0
Ảnh minh họa: Nguồn Getty Images

Trong số tất cả đối tượng được nghiên cứu, có 1.179 người, tương đương 4,9%, đã phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong suốt quá trình nghiên cứu.

Khoảng 13% những người tham gia báo cáo đã trải qua cảm giác cô đơn.

Những người cảm thấy cô đơn nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao gấp hai lần so với những người có đời sống tình cảm và các mối quan hệ lành mạnh.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Na Uy đã phát hiện ra rằng, cảm giác cô đơn có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn đáng kể.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Diabetologia, tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Châu Âu, đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Sức khỏe Trøndelag (còn gọi là nghiên cứu HUNT), một nghiên cứu sức khỏe kéo dài 20 năm dựa trên dân số ở miền trung Na Uy.

Roger E. Henriksen, phó giáo sư tại Viện Điều dưỡng, Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Na Uy, bắt đầu quan tâm đến cách các mối quan hệ xã hội tác động đến sức khỏe thể chất khoảng một thập kỷ trước sau khi nghe James A. Coan, giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Thần kinh tại Đại học Virginia, nói về lý thuyết cơ sở xã hội.

Lý thuyết phỏng đoán rằng bộ não con người mong đợi được tiếp cận với các mối quan hệ xã hội để giảm thiểu rủi ro và giảm mức độ nỗ lực cần thiết để đạt được các mục tiêu.

Phó giáo sư Henriksen giải thích: “Điều đó có nghĩa là ở cấp độ thần kinh, bộ não thực sự mong muốn được ở cùng với những người bạn tin tưởng”.

Năm 2014, Henriksen đồng tác giả một nghiên cứu đã kết luận rằng sự cô lập xã hội ở một mức độ nhất định sẽ dẫn đến lượng đường ăn vào tăng lên. Các nghiên cứu khác, bao gồm một nghiên cứu từ năm 2017, đã kết luận căng thẳng là một yếu tố có nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường loại 2.

Phó giáo sư Henriksen muốn xem liệu mức độ tiêu thụ đường tăng lên của những người thiếu các mối quan hệ xã hội có tác động đến tỷ lệ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn hay không.

Hơn 230.000 người tham gia đã cung cấp thông tin sức khỏe

Kể từ khi nghiên cứu HUNT được triển khai vào năm 1984, hơn 230.000 người tham gia đã cung cấp thông tin sức khỏe trên bảng câu hỏi, trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe và cung cấp mẫu máu để nghiên cứu.

Đối với nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu Na Uy đã sử dụng dữ liệu từ ba trong số các cuộc điều tra dân số của nghiên cứu HUNT. Cụ thể, HUNT2 bao gồm nghiên cứu được thực hiện từ 1995-1997, HUNT3 bao gồm nghiên cứu được thực hiện từ 2006-2008 và HUNT4 bao gồm nghiên cứu được thực hiện từ 2017-2019.

Ông Henriksen và các đồng tác giả của nghiên cứu đã loại trừ những người tham gia mắc bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 và những người bị rối loạn chuyển hóa từ năm 1995 đến năm 1997. Những người tham gia khác bị loại do thiếu dữ liệu.

Cuối cùng, dữ liệu của hơn 24.000 người tham gia đã được sử dụng trong các phân tích của nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét kết quả của HUNT2 để xem những người tham gia trả lời câu hỏi sau như thế nào: "Trong hai tuần qua, bạn có cảm thấy cô đơn không?". Những người tham gia có thể trả lời “không”, “ít”, “nhiều” và “rất nhiều”.

Các chuyên gia cũng phân tích các mẫu máu của những người tham gia từ HUNT4 để xem ai đã mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong khoảng thời gian 20 năm.

Ngoài ra, nghiên cứu mới còn dựa trên kết quả từ HUNT3, trong đó, những người tham gia sẽ phải trả lời Thang đo lo âu và trầm cảm của bệnh viện cũng như bảng câu hỏi về giấc ngủ. Các phân tích cũng được điều chỉnh dựa trên các yếu tố kinh tế xã hội, tuổi, giới tính và giáo dục.

Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn đáng kể

Trong số 24.024 người tham gia, 1.179 người, tương đương 4,9%, phát triển bệnh tiểu đường loại 2 trong hai giai đoạn, 1995-1997 và 2017-2019.

Những người tham gia phát triển bệnh tiểu đường loại 2 thường là nam giới (chiếm 59% so với 41% ở nữ giới), có tuổi trung bình cao hơn (48 tuổi so với 43 tuổi), đã kết hôn nhiều hơn (73% so với 68%) và có trình độ học vấn thấp nhất (35% so với 23%) so với những người không mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Trong số những người tham gia, 12,6% cảm thấy cô đơn ở các mức độ khác nhau.

Những người tham gia trả lời “rất nhiều” khi được hỏi liệu họ đã trải qua cảm giác cô đơn trong hai tuần qua trong cuộc khảo sát HUNT2, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn hai lần trong cuộc khảo sát HUNT4 so với những người cho biết không cảm thấy cô đơn.

Phó giáo sư Henriksen nhận thấy: “Phát hiện này rất quan trọng vì tiểu đường loại 2 là một căn bệnh ảnh hưởng đến nhiều người”. Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã liệt kê bệnh tiểu đường loại 2 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo phó giáo sư, xác định được một yếu tố nguy cơ đối với một căn bệnh lan rộng như vậy luôn quan trọng.

Cô đơn có thể gây nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn -0
Sự cô đơn có thể dẫn đến việc tăng lượng thức ăn, đặc biệt là lượng carbohydrate và tăng đề kháng insulin (Ảnh: minh hoạ)

Sự cô đơn và nguy cơ tiểu đường loại 2

Các tác giả của nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng sự cô đơn có thể kích hoạt phản ứng căng thẳng sinh lý của cơ thể dẫn đến những thay đổi trong hệ thống tim mạch và sản xuất cortisol, một hormone steroid được sản xuất bởi tuyến thượng thận, còn được gọi là hormone căng thẳng.

Các nhà nghiên cứu viết: “Sự cô đơn có thể dẫn đến việc tăng lượng thức ăn, đặc biệt là lượng carbohydrate và tăng đề kháng insulin. Những quá trình này đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp đủ lượng glucose cần thiết cho sự trao đổi chất và hoạt động não bộ".

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng sự hỗ trợ của xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân, giúp họ duy trì lối sống lành mạnh hơn với việc tập thể dục và chế độ ăn uống cân bằng.

Andrea Paul, bác sĩ và cố vấn y tế cho Illuminate Labs, nhấn mạnh, tuy nghiên cứu cho thấy cô đơn có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, nhưng không cho thấy đây là nguyên nhân gây bệnh.

“Theo tôi, nhiều khả năng những người cực kỳ cô đơn cũng trùng lặp với những người không quan tâm nhiều đến sức khỏe” bác sĩ giải thích.

Bác sĩ cũng nói thêm, thật hiếm khi bắt gặp một người rất cô đơn nhưng cũng chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và giữ gìn sức khỏe. Mặc dù sự cô đơn có thể trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường bằng cách kích hoạt các hormone căng thẳng, nhưng nghiên cứu này không chứng minh được điều đó.

Vai trò của trầm cảm và mất ngủ

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia cũng xem xét liệu trầm cảm do mất ngủ có đóng vai trò gì trong việc phát triển bệnh tiểu đường loại 2 hay không.

“Nghiên cứu trước đây đã cho chúng ta thấy rằng sự cô đơn có thể dẫn đến trầm cảm. Và cô đơn cũng có thể dẫn đến giấc ngủ không ngon. Và chúng tôi cũng biết rằng giấc ngủ không ngon và trầm cảm có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2”, Phó giáo sư Herniksen chia sẻ.

Cũng theo ông, đây là lý do để tin rằng nếu chúng ta tìm thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và bệnh tiểu đường loại 2, thì đó có thể là do giấc ngủ và chứng trầm cảm. Có lẽ trầm cảm và mất ngủ đóng vai trò trung gian.

Tuy nhiên, cuối cùng, các phân tích lại cho thấy không phải trầm cảm, mất ngủ hay thiếu ngủ làm trung gian cho mối liên hệ giữa sự cô đơn và bệnh tiểu đường loại 2. Bởi nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tác động trung gian rất nhỏ, “gần như không có gì cả”.

Tuy nhiên, Henriksen muốn xem các nhà nghiên cứu khác xem xét mối quan hệ giữa sự cô đơn và bệnh tiểu đường loại 2 và liệu kết nối đó có bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của bệnh trầm cảm hay các dạng mất ngủ khác nhau hay không.

“Tôi nghĩ chúng ta nên tiếp tục làm rõ chuyện này. Tôi vẫn cho rằng trầm cảm hay giấc ngủ phải đóng một vai trò nào đó” ông nói.

Tiếp theo, Henriksen hy vọng sẽ có những biện pháp can thiệp, giúp cho các cá nhân cảm thấy bớt cô đơn hơn. Hợp tác với Hội Chữ thập đỏ của Na Uy, Henriksen có kế hoạch nghiên cứu tác động của việc thiết kế các phương pháp tiếp cận phù hợp với từng cá nhân, đặc biệt là cho những bệnh nhân cô đơn.

                                                       (Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com)

Sống khỏe

Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tăng và có xu hướng trẻ hóa
Sức khỏe

Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tăng và có xu hướng trẻ hóa

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học phòng chống ung thư năm 2024 do Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức ngày 24.8. Đây cũng là hội nghị chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình hoạt động của Hội Ung thư Việt Nam.

Cẩn trọng với bệnh thị thần kinh di truyền Leber
Sống khỏe

Cẩn trọng với bệnh thị thần kinh di truyền Leber

Bệnh thị thần kinh di truyền Leber là bệnh lý di truyền do đột biến gây rối loạn chức năng ty thể có thể dẫn đến mù lòa. Đây là một căn bệnh khó chẩn đoán, biểu hiện triệu chứng lâm sàng có thể gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thị thần kinh khác.

Nguy hiểm từ hội chứng thận hư ở trẻ
Sức khỏe

Nguy hiểm từ hội chứng thận hư ở trẻ

Hội chứng thận hư là bệnh xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em độ tuổi từ 1 đến 5 tuổi. Mặc dù, bệnh khá hiếm gặp với chỉ 1/50.000 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Xyanua nguy hiểm như thế nào với sức khoẻ con người?
Sống khỏe

Xyanua nguy hiểm như thế nào với sức khoẻ con người?

Liên tiếp vụ việc một phụ nữ đầu độc 4 người thân tại Đồng Nai, và mới đây là 6 người gốc Việt tử vong tại Bangkok có liên quan đến Xyanua… đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Vậy Xyanua là chất gì, và nó thật sự nguy hiểm thế nào với sức khoẻ con người?