KỲ HỌP THỨ 18, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN KHÓA XVII

Tiếp đà đổi mới, phát triển

- Chủ Nhật, 10/12/2023, 07:50 - Chia sẻ

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023 tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực vượt khó, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh; đạt được nhiều kết quả toàn diện, ấn tượng và là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất cả nước.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản, năm 2023, với tinh thần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2023 tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được thành tựu phát triển đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước.

Các đại biểu tham dự kỳ họp - Ảnh: BẢO TRÂM
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Bảo Trâm

Thời gian tới, HĐND các cấp cần đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp, quan tâm chất lượng ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; tích cực đồng hành cùng UBND, các cơ quan khối hành chính nhà nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; phát huy vai trò giám sát, kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại, bất cập, thiếu sót ngay trong quá trình thực hiện để kịp thời kiến nghị xử lý, khắc phục. Đồng thời, tập trung giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, các cơ chế, chính sách quan trọng HĐND đã thông qua, những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri quan tâm; liên hệ, gắn bó mật thiết với cử tri để kịp thời chuyển tải các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên NGUYỄN HỮU NGHĨA

Đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Khóa XVII, các đại biểu đều ghi nhận, trong năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định, tiếp tục đà phục hồi nhanh, vững chắc hơn, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,05% (kế hoạch tăng 9%), là tỉnh có mức tăng trưởng cao thứ 4/11 tỉnh đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 7/63 địa phương trong cả nước. Các cân đối kinh tế lớn và tiềm lực của tỉnh tiếp tục được củng cố vững chắc hơn; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển (vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 24,7% so với năm 2022, thu hút đầu tư FDI đạt mức lớn nhất từ trước tới nay nhờ cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có bước tiến vượt bậc.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị được đầu tư đồng bộ với nhiều công trình, dự án quy mô lớn, mang tính động lực. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kỷ cương, pháp luật được tăng cường. Lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần người dân, phúc lợi xã hội tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 0,9%. Tình trạng ô nhiễm môi trường từng bước được xử lý...

Tuy nhiên, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm trước sự phát triển của tỉnh, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục. Trong đó, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, như: Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD (kế hoạch 7 tỷ USD); GRDP đầu người chỉ đạt 110,4 triệu đồng (kế hoạch 112 triệu đồng). Bên cạnh đó, việc phát triển mở rộng sản xuất công nghiệp tập trung còn chậm; chất lượng thu hút dự án đầu tư vào một số khu công nghiệp chưa cao; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng; kết quả nâng hạng đô thị và phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn và cơ bản chưa đạt kế hoạch; vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả…

Dấu ấn đóng góp quan trọng của cơ quan dân cử địa phương

Dự và phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định: Năm 2023, toàn tỉnh đã nỗ lực vượt khó, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới và phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh; đạt được nhiều kết quả toàn diện, ấn tượng và là một trong những địa phương phát triển nhanh nhất của cả nước. Những thành tựu mà tỉnh đã đạt được có sự đóng góp quan trọng của cơ quan dân cử địa phương. HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh ngày càng khẳng định vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân và sự phát triển của địa phương. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, tại Hội nghị mới diễn ra, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024 đề ra mục tiêu tổng quát và 21 chỉ tiêu chủ yếu với quyết tâm chính trị rất cao. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5 - 8%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 32.823 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 70.000 tỷ đồng...

Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cấp, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tập trung thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển; đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động để tối đa hóa nguồn lực và tăng trưởng kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tập trung gấp rút hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để đưa vào hoạt động bảo đảm tiến độ.

Cùng với các giải pháp nêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cũng đề nghị, sớm hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, chủ động cụ thể hóa việc triển khai Quy hoạch tỉnh thông qua xây dựng, ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, huy động nguồn lực phát triển; rà soát, xây dựng, cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch ngành, địa phương có liên quan phù hợp với Quy hoạch tỉnh; nâng cao tỉ lệ đô thị hóa và chất lượng đô thị; tăng cường quản lý hoạt động xây dựng, đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản...

HUYỀN LOAN
#