Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Khóa XVIII

Nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện, bền vững

- Thứ Sáu, 08/12/2023, 11:32 - Chia sẻ

Trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang năm 2023 có nhiều khởi sắc với 31/36 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch; hệ thống hạ tầng giao thông là một trong những điểm sáng, góp phần thúc đẩy toàn diện kinh tế của địa phương… Đây là nền tảng vững chắc để xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững.

Nhiều gam màu sáng

Đánh giá về bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 14, nhiều đại biểu HĐND tỉnh bày tỏ vui mừng trước những kết quả đạt được: 11 tháng năm 2023, Hà Giang có 31/36 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 15.077,4 tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 293,58 triệu USD, đạt 127,64% kế hoạch… "Kết quả này nhờ tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, có hiệu quả 3 đột phá, 5 chương trình trọng tâm Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra"- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn chia sẻ.   

Các đại biểu tham dự kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của HĐND tỉnh. Ảnh: Trọng Hiếu
Các đại biểu tham dự kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của HĐND tỉnh Ảnh: Trọng Hiếu

Cùng đó, hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn trong bức tranh chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với quan điểm “hạ tầng giao thông là xương sống của nền kinh tế”, Hà Giang đã dồn lực vào lĩnh vực này. Nếu như trước kia, nhiều tuyến đường thôn, bản là đường đất, thì nay hầu hết đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thành gần 260km đường bê tông nông thôn các loại, đạt 100% kế hoạch.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh thi công các dự án giao thông có tính kết nối, lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương, nhất là dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 (đoạn qua tỉnh Hà Giang); khởi công dự án đập dâng nước tạo cảnh quan cho TP. Hà Giang; các dự án của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai nghiêm túc, bài bản đến nay đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực xây dựng tỉnh Hà Giang trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững.

Cùng với hạ tầng giao thông, du lịch cũng đang trên đà khởi sắc. Con số 3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu đạt trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2023 là minh chứng sinh động cho nỗ lực của tỉnh. Thời gian qua, Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp khai thác thế mạnh du lịch. Trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào du lịch. Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch nhằm quảng bá hình ảnh thiên nhiên, nét đặc trưng bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Hà Giang đang là điểm đến hấp dẫn các du khách trong và ngoài nước.  

Cùng với đó, từ chủ trương xóa nhà tạm, xóa bỏ hủ tục, tỉnh đã quyết tâm thực hiện hiệu quả nhất chủ trương này và gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận với hàng nghìn ngôi nhà tạm của người nghèo, người có công đã được cứng hóa. Đó là niềm vui, mơ ước bấy lâu nay của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hay từ việc triển khai đề án cải tạo vườn tạp đã góp phần phát huy nội lực, thay đổi nhận thức của bà con trong canh tác, sản xuất. Giờ đây, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hủ tục về ma chay cũng giảm đáng kể…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số

Những kết quả trên đáng ghi nhận, song thực tế Hà Giang còn nhiều việc phải làm. Nhấn mạnh những nhiệm vụ năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: với vị trí chiến lược quan trọng, nơi địa đầu Tổ quốc, Hà Giang luôn xác định việc bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, các tuyến đường giao thông liên kết vùng. Mặt khác, phát triển mạnh du lịch theo hướng bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; cải cách hành chính, chuyển đổi số, và triển khai tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia… hướng tới phát triển toàn diện, ổn định và bền vững.

Trọng Hiếu
#