Hiến kế nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Sáu, 08/12/2023, 08:05 - Chia sẻ

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, các đại biểu đã sôi nổi tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh những giải pháp, nhiệm vụ thực hiện các mục tiêu đề ra, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Ưu tiên chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản 

Có thể thấy, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số mà tỉnh nỗ lực triển khai suốt thời gian qua. Dù còn khó khăn, Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số từ tỉnh đến xã với những hành động quyết liệt, những cách làm sáng tạo, đặc trưng. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh đạt 80,53%; tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 66,38%; tỷ lệ các cơ quan hành chính có trang thông tin điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp huyện, xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%; 25/25 dịch vụ công thiết yếu được đưa lên cổng dịch vụ công quốc gia…

Các đại biểu Tổ 3 thảo luận sôi nổi vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Trọng Hiếu
Các đại biểu Tổ 3 thảo luận sôi nổi vào phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Trọng Hiếu

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Dung cho rằng, việc xây dựng nền tảng chính quyền điện tử vẫn còn chậm tiến độ; một số ngành, lĩnh vực chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế... Theo đại biểu, cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số...

Đồng quan điểm, một số đại biểu góp ý thêm: Toàn tỉnh hiện còn 36 thôn, bản chưa có sóng di động, nhiều khu vực chất lượng phủ sóng thấp; nhiều thôn bản chưa có điện, khó khăn trong hoàn thành tiêu chí về hạ tầng số. Do đó cần tập trung xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật; tổ chức chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, thương mại, giao thông… Trong đó, trọng tâm là chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản, sớm đưa các sản phẩm OCOP chất lượng của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử…

Dồn lực cho các địa phương cán đích nông thôn mới

Xoay quanh các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của UBND tỉnh. Song, đại biểu Phạm Thị Hồng Yên (huyện Quang Bình) đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, cân đối, huy động, lồng ghép các nguồn vốn để bổ sung kinh phí cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới; ưu tiên, rà soát bổ sung kinh phí cho 2 huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.

Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu rà soát, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo các nghị quyết của HĐND tỉnh, làm cơ sở để triển khai, xây dựng kế hoạch và dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển giai đoạn sau. Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị mới.

Để hoàn thành chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo, đại biểu Ngô Xuân Nam (huyện Yên Minh) đề nghị: tỉnh cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số. Chú trọng đa dạng hóa sinh kế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Mặt khác, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là một số cây trồng có giá trị cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Ngoài ra, cần đánh giá thực chất, khách quan hiệu quả thực hiện Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển bền vững cây cam sành theo Nghị quyết số 58/2020/ NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh để có giải pháp phù hợp tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025...

Một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2030. Có giải pháp, kế hoạch cung cấp các loại vaccine để thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi theo quy định. Tăng cường kiểm tra giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH bằng nhiều hình thức để duy trì và tăng tỷ lệ tham gia BHXH trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhóm giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh quản lý nhà nước về du lịch, các điểm đến du lịch; hỗ trợ kịp thời một số chính sách phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đặc biệt, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cơ sở; chỉ đạo bố trí, sắp xếp cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công tác tiếp công dân, tham mưu xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo…

Hiếu Phạm
#