Nhiều điểm sáng nổi bật
Đa số các đại biểu nhất trí với các tờ trình, báo cáo tại kỳ họp, đặc biệt với nội dung quan trọng đó là hoàn thiện, trình thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo tổng kết về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Trong đó, có những điểm nổi bật như tăng trưởng GRDP tăng 7,39% so với năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 28%; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 đứng thứ 7 toàn quốc; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đứng thứ 7; chỉ số thành phần về cải cách thủ tục hành chính (trong chỉ số Par Index) vượt lên đứng thứ nhất cả nước. Tỉnh tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội và giáo dục, y tế tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra, phân tích làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn như về công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị chưa đạt kết quả như mong muốn; còn 6/15 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; thu tiền sử dụng đất, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng một số công trình, thi công một số dự án còn chậm; việc thực hiện các quyết định, kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn nhiều hạn chế. Nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn thiếu, phân bổ chưa sát với nhu cầu; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc kéo dài nhiều năm chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.
Triển khai những giải pháp đột phá
Đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác tình hình thực tế, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, từ đó đưa ra những giải pháp đột phá khơi thông các điểm nghẽn, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Tại hội trường, các đại biểu tham gia thảo luận, phân tích nguyên nhân một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nhiều cử tri kiến nghị về việc xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn còn khó khăn, chưa khuyến khích được nhiều doanh nghiệp đầu tư; có cơ chế tháo gỡ khó khăn đối với diện tích đất giao trái thẩm quyền từ những năm 2010 trở về trước; tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính khi phê duyệt các dự án đất ở để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, sớm hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, làm rõ, nêu bật mục tiêu tổng quát của quy hoạch tỉnh; xác định các trục phát triển trọng tâm và tầm nhìn chiến lược, xây dựng ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị làm cơ sở quản lý đô thị...
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ năm 2023 với mục tiêu tổng quát như thu hút các nguồn lực, tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư FDI. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và phát triển đô thị văn minh, hiện đại, tiến gần tới các mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh, kỳ họp thông qua 17 nghị quyết, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và những ý kiến, kiến nghị của đại biểu, của cử tri; Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh và cử tri; thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân; kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong thời gian tới.
Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Đề nghị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phản ánh kịp thời với Thường trực HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết thấu đáo.